đây, hoặc đi ngang qua đây, chứ chẳng ai vô cớ đi du lịch đến đây cả.
Một trong những điểm thu hút của thị trấn này là “di tích hỏa xa” và
một bảo tàng hỏa xa mang tên “Heizhaus”, tức là “nhà hơi”. Cách đây
một thế kỷ, có chưa đến 50 người sống tại đây; ngày nay cư dân
nơi này làm việc tại Vienna, và quay về các ngôi nhà ở ngoại ô, nằm
san sát nhau một cách đơn điệu, chỉ để ngủ. Vào dịp cuối tuần,
tiếng máy cắt cỏ vang lên rì rì, xe cộ được chùi rửa và căn phòng
khách ấm cúng này thì vẫn giấu mình phía sau lớp rèm kéo kín và
màn sáo che lưng lửng. Nơi đây người ta chỉ quan tâm đến mặt tiền
nhà, chứ không phải những gì cần khám phá bên trong. Một nơi
tuyệt vời để sống hai mặt. Một nơi tuyệt vời để phạm pháp.
Bản thân ngôi nhà này được dựng lên theo đúng kiểu điển hình
thời đầu thập niên 1970. Ở tầng trệt có một hành lang dài và cầu
thang để đi lên tầng trên. Bên trái là nhà tắm và buồng vệ sinh,
bên phải là phòng khách và ở cuối hành lang là nhà bếp. Đây là một
căn phòng hình chữ nhật, có bếp nhỏ bên trái với các ngăn tủ cũ kỹ
bằng gỗ dán sẫm màu. Trên sàn là lớp gạch lát hoa văn màu nâu
cam. Một cái bàn, bốn cái ghế có vải phủ, trên tường xám trắng có
những chiếc móc thiết kế bông hoa hiệu “Prilblume” trên nền
gạch lát được tô điểm bằng những bông hoa màu xanh lục đậm cạnh
bồn rửa.
Phần ấn tượng nhất của căn phòng là giấy dán tường dạng
bích họa phủ lên bức tường bên phải: một khu rừng cây bulô, xanh
lục, có những thân cây khẳng khiu vươn cành lên cao, như thể muốn
thoát khỏi bầu không khí áp chế của căn phòng. Lần đầu tiên
nhìn bức tranh một cách nghiêm chỉnh, tôi cảm thấy như có một sự
lố bịch khi ai đó có thể giao tiếp với thiên nhiên bất kỳ lúc nào, có
thể đi ra ngoài bất kỳ lúc nào, lại trang trí phòng bằng cảnh thiên