không còn nắm giữ trong tay chìa khóa đối với cuộc sống của
mình nữa. Tôi không cho phép mình hòa nhập với môi trường mang
tính hủy hoại này, sản phẩm từ cơn hoang tưởng của một kẻ tội phạm,
một kẻ đã thiết kế ra nó từng li từng tí để tống tôi vào trong đó
như một món đồ trang trí.
Nhưng ta không thể sống mãi trong một cơn ác mộng. Con người
chúng ta có khả năng tạo ra một thực tại bình thường, thậm chí trong
những tình huống bất thường nhất để tránh đánh mất chính
mình. Để sinh tồn. Trẻ con đôi khi có thể làm điều này tốt hơn
người lớn. Cọng rơm nhỏ nhất cũng có thể đủ cho chúng khỏi chết
chìm. Đối với tôi, cọng rơm đó chính là những nghi thức gia đình,
như những bữa ăn chung, các tiết mục ngày lễ Giáng sinh hoặc cuộc
đào thoát của tôi vào thế giới của những cuốn sách, băng video và
phim truyền hình. Đó là những khoảnh khắc không hoàn toàn u
ám, cho dù giờ đây tôi biết rằng cảm giác của tôi cơ bản xuất phát
từ một cơ chế phòng vệ tâm lý. Ta sẽ phát điên nếu suốt nhiều
năm chỉ nhìn thấy liên tục những cảnh tượng kinh hoàng. Những
khoảnh khắc nhỏ của đời thường ấy là những khoảnh khắc mà ta
bám lấy, đảm bảo cho ta sống sót. Có một mục trong nhật ký của tôi
nhấn mạnh sự mong mỏi được trở lại với đời thường:
Nhật ký thân yêu,
Ta đã không viết cho mi khá lâu bởi vì ta đang rơi vào một giai đoạn
trầm uất thật gian truân. Cho nên ta sẽ chỉ kể lại vắn tắt mọi chuyện xảy ra
cho đến nay. Hồi tháng 12, ta và hắn lát gạch nhưng mãi đến đầu tháng
giêng mới lắp đặt nhà vệ sinh. Ta đã đón giao thừa như thế này: ta ngủ trên
nhà từ 30 đến 31 tháng 12, rồi ta ở cả ngày một mình. Nhưng ngay trước
lúc nửa đêm thì hắn vào. Hắn tắm, rồi ta với hắn làm lễ rót chì
[1]
. Đến nửa
đêm thì mở truyền hình lên và lắng nghe chuông giao thừa Pummerin
[2]