hoàn chỉnh. Cánh cửa vào nhà có thể mở toang: tôi vẫn không thử
một bước nào. Trốn có nghĩa là chết. Đối với tôi, đối với hắn,
đối với bất kỳ ai nhìn thấy tôi.
Không dễ chút nào để giải thích sự biệt giam, đánh đập và nhục mạ
tác động ra sao đối với một con người. Sau biết bao nhiêu sự ngược
đãi, chỉ cần âm thanh của cánh cửa cũng đủ làm cho ta hoảng loạn
đến mức không thở được chứ đừng nói đến bỏ chạy. Tim bắt đầu
nện, tai ù đặc và đột nhiên một cái công tắc trong não bị gạt đi và ta
chẳng còn cảm giác gì cả ngoại trừ tê liệt. Ta không thể hành động
được, không thể suy nghĩ được. Cảm giác sợ chết đã được in chặt vào
trong não không cách gì tẩy xóa được, và mọi chi tiết của lần đầu
ta cảm nhận nỗi sợ ấy - mùi vị, âm thanh, giọng nói - được tồn trữ
trong tiềm thức. Nếu một chi tiết tái hiện - một bàn tay vung lên -
nỗi sợ quay trở lại; không cần bàn tay ấy xiết lấy cổ họng, ta vẫn
cảm thấy nghẹt thở.
Hệt như những người sống sót sau một vụ đánh bom có thể cảm
thấy hoảng kinh khi nghe tiếng pháo hoa đón mừng năm mới, tôi
cũng rơi vào tình trạng như thế với cả ngàn chi tiết nhỏ nhặt. Âm
thanh tôi nghe thấy khi những cánh cửa nặng trịch dẫn xuống
hầm được mở ra. Tiếng kẽo kẹt của chiếc quạt. Bóng tối. Ánh
sáng gay gắt. Mùi của tầng trên ngôi nhà. Luồng không khí khi
hắn vung tay đánh tôi. Những ngón tay của hắn quanh cổ họng tôi,
hơi thở của hắn trên gáy tôi. Cơ thể của chúng ta được lập trình để
sinh tồn và phản ứng bằng cách tê liệt. Có lúc, cơn chấn thương dữ
dội đến mức thậm chí cả thế giới bên ngoài cũng không hứa hẹn
một sự khuây khỏa nào, mà chỉ là một miền đất hiểm họa với
những nguy cơ gắn liền với nỗi sợ.