tôi đã gặp sự cố. Cô ngờ rằng tôi bị bầm dập do cú ngã và cho phép
tôi ở trong phòng xem truyền hình suốt buổi chiều.
Đêm hôm đó, tôi nằm trên giường trong ký túc xá và cơn đau lại
dội lên nhức nhối đến mức không thở được. Thế nhưng, tôi vẫn
chẳng nhờ đến ai. Mãi đến cuối ngày hôm sau khi cả lớp đến
thăm vườn bách thảo Herberstein, cô giáo của tôi mới nhận ra tôi đã
bị thương nặng và đưa tôi đến bác sĩ. Bác sĩ ngay lập tức đưa tôi vào
bệnh viện ở Graz. Tay tôi đã bị gãy.
Mẹ tôi đi cùng với bạn trai đến đón tôi ở bệnh viện. Người đàn
ông mới trong đời mẹ tôi là người tôi biết rõ - bố đỡ đầu của tôi.
Tôi không thích ông. Chặng đường trở về Vienna là một nỗi khổ tệ
hại. Suốt ba giờ đồng hồ bạn trai của mẹ tôi kêu ca rằng hai người
phải lái xe cả một chặng đường dài như vậy chỉ vì sự vụng về của tôi.
Mẹ tôi cố gắng làm cho không khí dịu đi, nhưng không thể buộc
được ông ta thôi ca cẩm. Tôi ngồi ở ghế sau và khóc một mình. Tôi
ngượng ngùng đã ngã, và ngượng ngùng đã gây rắc rối cho mọi
người. Đừng gây rắc rối. Đừng làm chộn rộn. Đừng có nhắng lên.
Con gái lớn không khóc . Những câu thần chú tuổi thơ mà tôi đã
nghe cả ngàn lần, đã giúp tôi cắn răng chịu đau với cánh tay bị gãy
suốt một ngày rưỡi. Giờ đây, trên đường xa lộ, một giọng nói trong
đầu tôi lặp lại những lời lẽ đó giữa những tràng nhiếc móc mà bạn
trai của mẹ tôi tuôn ra.
Cô giáo của tôi phải đối diện với án kỷ luật vì đã không đưa tôi
đến bệnh viện ngay. Đúng là cô đã chểnh mảng nhiệm vụ trông nom
tôi. Nhưng chính bản thân tôi mới chịu trách nhiệm lớn về sự bê trễ
đó. Trong tôi, sự tự tin của bản thân chỉ còn leo lét đến độ ngay cả
khi bị gãy tay tôi cũng không cảm thấy được quyền cầu cứu.