kiểm tra và canh gác bởi các cảnh sát vũ trang. Họ sợ rằng kẻ bắt
cóc, vẫn còn tại ngoại, sẽ toan tính trả thù.
Tôi đã trải qua đêm tự do đầu tiên với một chuyên gia tâm lý của
cảnh sát vốn là một người nói huyên thuyên mà lời lẽ không ngừng
tuôn trào về phía tôi như một dòng chảy không ngớt. Một lần nữa
tôi lại bị cắt lìa với thế giới bên ngoài - để được bảo vệ, theo lời
trấn an của cảnh sát.
Có lẽ họ nói đúng, nhưng trong căn phòng đó tôi gần như phát
rồ. Tôi cảm thấy bị nhốt và chỉ muốn một điều: nghe radio. Để
biết được chuyện gì đã xảy đến với Wolfgang Priklopil. “Tin tôi đi,
điều đó không tốt cho em đâu,” chuyên gia tâm lý của cảnh sát cứ
gạt đi yêu cầu của tôi. Bên trong tôi đang chao đảo, nhưng tôi nghe
theo lời cô ta. Khuya hôm đó tôi đi tắm. Tôi chìm vào trong nước và
cố thư giãn. Tôi có thể đếm được trên hai bàn tay bao nhiêu lần tôi
được phép tắm bồn trong bấy nhiêu năm bị giam cầm. Giờ đây
tôi có thể tự tắm và pha bao nhiêu bọt tùy thích. Nhưng tôi không
tận hưởng được. Đâu đó ở ngoài kia có một người đàn ông đã từng là
người duy nhất trong cuộc đời tôi suốt tám năm rưỡi, đang tìm
cách tự tử.
Tôi nghe tin vào ngày hôm sau trên xe cảnh sát đưa tôi về lại
Vienna.
Câu hỏi đầu tiên của tôi khi trèo lên xe là, “Có tin tức gì về kẻ
bắt cóc không?”
“Có,” viên cảnh sát lên tiếng một cách thận trọng. “Hung thủ bắt
cóc đã không còn sống. Hắn đã tự tử, lao mình vào trước một đoàn
tàu hỏa lúc 8 giờ 59 phút gần nhà ga phía bắc Vienna.”