giác ấy nhường chỗ cho một sự cảm nhận chắc chắn rằng tôi sẽ
phải chống chọi để tìm được chỗ của mình trong mớ lùng nhùng các
mối quan hệ này. Và làm sao tôi có thể thay đổi cuộc đời mình được
nếu một cái vạch qua đường ngay trước mặt cũng chập chờn như một
chướng ngại vật không cách gì chinh phục?
Tôi bắt đầu khóc và cảm thấy khát khao vô cùng muốn được
biến mất và tan quyện vào không khí. Tôi cứ để xe cộ đi qua và
hình dung mình bước xuống đường và bị một chiếc xe hơi lao vào.
Nó lôi tôi đi vài mét, và rồi tôi sẽ chết. Ba lô sẽ nằm cạnh tôi và
chiếc áo khoác đỏ sẽ trông như đèn đỏ trên đường nhựa, “Nhìn mà
xem các người đã làm gì cô bé này!” Mẹ tôi sẽ từ trong cư xá lao đến,
hét lên, khóc than tôi và nhận ra tất cả mọi lỗi lầm của mình. Đúng
rồi, mẹ sẽ nhận ra. Chắc chắn.
Dĩ nhiên, tôi không lao vào trước mũi xe hơi, cũng chẳng lao vào
xe điện. Tôi chẳng bao giờ muốn gây ra quá nhiều sự chú ý. Đổi lại,
tôi bình tâm trở lại, băng sang đường và đi dọc phố Rennbahnweg
đến trường tiểu học, nằm trên phố Brioschiweg. Lộ trình của tôi đi
qua một vài con phố yên tĩnh có những dãy nhà nhỏ của các gia đình
được xây dựng vào thập niên 1950 với khoảnh vườn nhỏ phía trước.
Trong một vùng đầy các tòa nhà công nghiệp và khu dân cư với các
tòa nhà xây bằng bê-tông đúc sẵn, những căn nhà dường như lạc
bước thời gian và đầy tĩnh lặng. Khi rẽ sang phố Melangasse, tôi
quẹt nước mắt trên mặt và cắm cúi sải bước
Tôi không còn nhớ điều gì đã khiến mình ngẩng đầu lên. Một
âm thanh? Một con chim? Dù gì đi nữa, mắt tôi bỗng chú ý đến
một chiếc xe thùng đi giao hàng. Nó đậu bên vệ đường phía bên phải
và trông bất thường một cách kỳ lạ so với cảnh vật thanh bình nơi
đây. Một người đàn ông đang đứng phía trước xe. Ông ta săn chắc,