Giờ đây khi đã trưởng thành tôi vẫn thường nhớ lại xem mình đã
xoay xở thế nào để sống qua thời khắc đó. Tình cảnh thật khủng
khiếp đến mức có thể làm cho tôi ngã gục. Nhưng tâm trí con người
lại có thể đương đầu được với những tình cảnh đáng kinh ngạc nhất
- bằng cách tự đánh lừa và thoái lui để khỏi phải chịu khuất phục
khi đối diện với những cảnh ngộ không thể hiểu được theo lẽ thường.
Ngày nay tôi biết rằng mình đã thoái triển về tâm lý. Tâm trí
bé gái mười tuổi của tôi lúc ấy đã thoái ngược trở về trạng thái của
một đứa bé bốn, năm tuổi. Một đứa bé chấp nhận thế giới xung
quanh áp đặt cho mình, khi nó không cảm nhận thực tại theo lôgic,
mà chính những nghi thức nhỏ trong cuộc sống hằng ngày của đứa
bé mới là điểm mốc để có được cảm giác về trạng thái bình thường -
để giữ cho mình không ngã gục. Tình cảnh của tôi vượt ngoài bất cứ
mức độ nào mà ai đó có thể hiểu, và tôi đã thoái triển tâm lý đến
mức: tôi cảm thấy nhỏ nhoi, phụ thuộc vào lòng xót thương của kẻ
khác và hoàn toàn thoát khỏi trách nhiệm. Người mà một lát nữa sẽ
quay lại căn hầm của tôi là người lớn duy nhất hiện diện và do đó là
người có quyền hạn và biết phải làm gì. Tôi chỉ việc làm theo lời
hắn ta và mọi thứ sẽ ổn thỏa. Thế rồi mọi việc sẽ diễn ra như
thường lệ: những việc trước lúc lên giường, mẹ tôi trao cho chiếc
chăn lông vịt, hôn tạm biệt, bật ngọn đèn ngủ và rón rén rời khỏi
phòng.
Sự thoái triển về mặt tâm lý để quay trở lại trạng thái của một đứa
bé con là sự chuyển biến tâm lý quan trọng thứ nhì trong ngày đầu
tiên tôi bị cầm tù. Đó là nỗ lực tuyệt vọng để tạo ra một ốc đảo nhỏ
nhoi, quen thuộc giữa tình cảnh vô vọng. Khi hắn quay trở lại căn
hầm sau đó, tôi đã kêu hắn ở lại với tôi, dỗ tôi ngủ một cách tử tế
và kể chuyện cho tôi nghe trước khi ngủ. Tôi thậm chí còn đòi hắn