kinh tế những năm tám mươi sớm lộ rõ sự u ám, chưa kể ba năm trước, khi
mẹ bà qua đời vì tắc động mạch não, bà đã thốt ra một câu khiến người
khác rùng mình: “Chạm vào tóc người khác em cảm giác như chạm vào xác
chết” và giờ thì chẳng đứng cắt tóc nữa. Được ngày đông khách, ông đang
cạo râu dở cho ông cán bộ thị chính về hưu thì vị khách thứ ba bước vào.
Cực chẳng đã, ông đành phải gọi vợ ra nhưng đáp lại là giọng bực dọc:
“Tôi dang dở tay.”
“Dở cái gì? Khách đang đợi đây này.”
“Thì tôi vừa bắt đầu khều chỉ tôm mà.”
“Để sau cũng được chứ sao!”
“Giờ tôi làm ngay có phải là…”
Yoshio bỏ cuộc trước khi vợ ông kịp dứt lời. Trong gương, người đàn
ông mới về hưu năm ngoái mỉm cười gượng gạo. Có lẽ trước đó ông ta
cũng từng nghe cuộc đôi co này tại đây,
“Xin lỗi cháu nhé, đợi bác một lát.”
Yoshio nói với cậu học sinh trung học sau lưng. Cậu chàng chăm chú đọc
truyện tranh chẳng buồn để ý.
“Mang tiếng vợ thợ cắt tóc mà chẳng nhở vả được gì”.
Yoshio tặc lưỡi cầm kéo lên, chạm mắt nhau trong gương, ông khách bèn
nói xấu vợ. “… Bà xã nhà tôi cũng thế. Tôi nhờ bà ấy dắt chó đi dạo liền bị
bà ấy cáu bẳn: Ông chả biết việc nhà vất vả thế nào đâu! Ông nghĩ tôi là
giúp việc cho cái nhà này chắc!”
Yoshio cười hưởng ứng nhưng rõ ràng chuyện một người có lương hưu
nhờ vợ dắt chó đi dạo và chuyện lão thợ cạo nhờ vợ cắt tóc cho khách là
hai chuyện khác hẳn nhau.
Sau đó, thật ngạc nhiên là khách vẫn tiếp tục kéo đến. Tính đến thời
điểm 7 giờ khi tiệm đóng cửa, có cả thảy tám khách bao gồm cả vị khách
nhuộm tóc trắng. Bận rộn cứ như thể các khách quen mỗi tháng đến một
lần dồn hết cả vào ngày hôm nay. Ông toan gọi vợ nhưng bà đã chạy biến
đi chợ sau khi khều xong chỉ tôm.