đã trở về với cát bụi, đến những tiên cảnh như Glendale, Glen Island,
Sayville, Patchogue, đến các công viên, các vũng biển giờ đây biến thành ổ
rác. Tôi phải nghĩ bằng tiếng Pháp viết bằng tiếng Anh, ngồi không nhúc
nhích và nói ba hoa, đóng vai kẻ khôn và vẫn là kẻ dại hay đần. Tôi phải
làm thăng bằng những gì không thăng bằng mà không ngã khỏi đây. Tôi
phải làm xây xẩm mặt mày cây đàn thất huyền mang tên là Brooklyn
Bridge nhung không làm mất cái mùi vị, hương thơm của Công trường
Rungis. Cái lúc này phải là lúc đầy ặp cơn nước triều của sự Trở về Vĩ
đại...
Ta hãy nhìn lại quá khứ. Năm ấy là năm 1939. Tháng ấy là tháng Sáu. Tôi
không đợi quân Đức đến nơi rồi mới chạy tán loạn. Tôi đi nghỉ mát. Vài
giờ nữa là tôi đi Hy Lạp.
Tất cả những gì tôi còn bỏ lại ở cái văn phòng tại Biệt thự Seurat là lá số
của tôi viết bằng phấn trên tấm vách đối diện cửa ra vào. Để cho người đến
thay tôi suy nghiệm. Chắc chắn là một sĩ quan chiến tuyến. Có lẽ một học
giả.
À mà còn cái gì nữa, trên một vách khác, cao gần trần, có hai câu thơ:
Giờ đây trái đất phải chìm.
Giờ đây một phép màu phải đến.
Một ngày nào đó, nếu tôi tậu được một ngôi nhà có căn phòng rộng và
tường để không, tôi có ý thiết lập một bản đồ hay đồ thị rất lớn thuật lại đời
các bạn bè của tôi còn rõ hơn là viết sách, và một bản nữa thuật lại sự tích
các văn phẩm trong đời tôi. Mỗi bức trên một bức tường đối diện nhau
thấm nhuần nhau, tẩy xóa nhau. Không ai hi vọng sống được lâu để viết hết
những chuyện, những kinh nghiệm khôn lường này thành chữ. Chỉ có một
cách ghi lại thành biểu tượng, thành đồ hình, như các tinh tú viết lại cái bí
mật lấm chấm của chúng trên bầu trời vậy.
Tại sao tôi nói thế? Bởi vì trong thời gian này - có quá nhiều để làm, quá
nhiều để xem, để nếm, để hàng bao thứ khác - quá khứ và tương lai đồng