người. Một kẻ cuồng loạn. Một kẻ cuồng hành. Nhưng lòng chung thủy -
và thù dai. Ái dà!
Từ ngày chiến tranh bùng nổ cho đến 1947 không được một tin nào của
Moricand. Tôi cho là hắn chết rồi. Rồi, ít lâu sau khi chúng tôi dọn đến
ngôi nhà mới ở Parlington Ridge, chúng tôi nhận được một bì thư có mang
địa chỉ người gửi là một quận chúa Ý. Trong có kèm một bức thư của
Moricand, viết đã sáu tháng, yêu cầu quận chúa nếu tìm được địa chỉ của
tôi thì xin chuyển dùm hộ. Hắn cho địa chỉ là một ngôi làng gần Vevey,
Thụy Sĩ, nơi hắn nói hắn vẫn ở từ khi chiến tranh kết thúc. Tôi trả lời ngay,
bảo hắn tôi rất mừng được biết hắn còn sống và hỏi hắn tôi có thể giúp
được gì không. Phúc thư của hắn như một viên đại bác, hắn kể rõ tình cảnh
của hắn mà, đúng như tôi dự đoán, đã chẳng hơn gì trước. Hắn ở tại một
nhà trọ nghèo nàn, một căn phòng không lửa sưởi, vẫn đói khát, và không
có tiền mua nổi điếu thuốc. Tức thời tôi gửi cho hắn thức ăn cùng vật dụng
này khác mà hắn chắc đang thiếu. Với thêm ít tiền. Tôi cũng gửi cho hắn ít
bưu chỉ quốc tế để hắn khỏi tốn tiền mua tem.
Chả mấy lúc thư từ bắt đầu đi lại. Thêm mỗi bức thư, tình trạng hắn lại
thêm khốn đốn. Những món tiền nhỏ chúng tôi gửi hắn không thấm thía gì
ở Thụy Sĩ. Bà chủ nhà không ngớt đòi tống khứ hắn, hắn thì càng ngày
càng yếu, phòng trọ lạnh không chịu thấu, ăn uống thiếu thốn, lại không
sao tìm ra việc, và - ở Thụy Sĩ lại cấm tiệt ăn mày!
Gửi thêm tiền cho hắn thì quả tình không được. Vì chúng tôi đào đâu ra.
Làm sao bây giờ? Tôi tính đi tính lại. Hầu như vô phương.
Đã thế, thư hắn lại đến tới tấp, vẫn giấy tốt, vẫn gửi máy bay, vẫn xin xỏ,
kêu van, giọng càng ngày càng bi đát. Tôi phải tính gấp bằng không rồi đời
hắn. Hắn nói rõ thế, thật là đau đớn.
Sau cùng tôi nghĩ ra một cách mà tôi cho là rất hay. Thần tình, không hơn
không kém. Là mời hắn sang ở với chúng tôi, có gì sống nấy, coi nhà chúng
tôi như nhà hắn cho đến lúc chết. Tôi tự hỏi giản dị có thế mà tại sao trước
kia mình không nghĩ ra.
Tôi dự tính một mình cho đến vài hôm sau tôi mới nói cho vợ biết. Tôi