Đừng bao giờ bán buôn một mình (Dành riêng cho nhân viên bán
hàng)
Khi tôi còn là CEO của một công ty kinh doanh trên Internet mới thành lập,
tôi phải đi công tác thường xuyên, không bao giờ ngừng nghỉ công việc
buôn bán với bộ phận marketing các công ty lớn. Tôi cảm nhận được thành
công của công ty, hay thậm chí là sự sống còn của công ty, đang đè nặng lên
vai mình. Bởi vì nếu có thứ gì mà một công ty mới thành lập không thể
thiếu, thì đó là doanh thu. Dĩ nhiên, chất lượng sản phẩm là điều quan trọng,
nhưng những lỗi kỹ thuật còn chỉnh sửa được theo thời gian. Trong khi đó,
bất kể chuyện gì xảy ra, bạn cũng cần có tiền trang trải chứ.
Tôi còn nhớ những đêm tôi đến Detroit, thuê một chiếc xe hơi, lái vào trụ sở
chính của Chrysler, và thuê phòng trong một khách sạn đối diện bên đường.
Một buổi tối trời đổ tuyết và lạnh lẽo, cả khách sạn vắng ngắt. Phục vụ
phòng cũng không còn, quầy bar cũng đóng cửa. Tôi rất mệt và không thể
ngắt dòng suy nghĩ về những gì đang lệ thuộc vào những cuộc chào hàng mà
tôi đã lên kế hoạch cho sáng hôm sau. Khả năng bán hàng dưới áp lực sẽ
quyết định số nhân viên công ty có thể giữ lại hoặc phải sa thải.
Tôi cảm thấy rất, rất đơn độc.
Vì vậy bạn cứ tin là tôi hiểu được cảm giác đơn độc của nghề bán hàng như
thế nào. Và đó cũng chính là lý do vì sao tôi nghĩ mô hình bán hàng truyền
thống - một anh chàng đơn độc, tay xách túi, lê bước trên đường hoặc gọi
điện thoại để tìm doanh thu - thật sự không còn thích hợp trong môi trường
kinh doanh toàn cầu đầy cạnh tranh hiện nay; và nói thật, mô hình này chưa
bao giờ mang lại hiệu quả.
Bạn thấy đấy, bán hàng không chỉ khó khăn vì sự đơn độc. Trong những
ngày tại Deloitte của tôi, tôi dẫn dắt một dự án tái cấu trúc lại quy trình bán
hàng cho một công ty cung cấp dịch vụ y tế lớn. Một phần của công việc
buộc tôi phải đi theo một số nhân viên bán hàng đến các vùng họ chịu trách
nhiệm. Họ sống trên xe hơi và ngủ trong những khách sạn còn tồi tàn hơn
cái khách sạn đối diện Chrysler của tôi. Tôi nhớ một lần đi chung với một