“Nó đơn giản quá, như dành cho học sinh tiểu học vậy,” người phụ nữ
nhận xét bằng giọng khinh khỉnh. “Tôi sẽ viết lại để nó có vẻ ‘người lớn’
hơn.”
Sau nhiều tháng không gặp, cô ấy đã tâm sự với Janet rằng mẫu mới của
cô khiến các văn phòng khác không thể hiểu nổi và cô đã quay trở về dùng
mẫu cũ.
Sự phức tạp không bao giờ mang lại hiệu quả trong giao tiếp – và càng
không hiệu quả nếu bạn mong muốn kết nối.
2. Đi thẳng vào vấn đề
Trong những tình huống nhất định, bạn không mong người khác phải rõ
ràng, ngắn gọn và nhanh chóng. Nhưng trong một số tình huống khác thì
ngược lại. Khi bạn sẵn sàng lắng nghe ai đó nói, nếu anh ta cần quá nhiều
thời gian để dẫn dắt vào vấn đề, thì bạn sắp gặp rắc rối rồi.
Winston Churchill từng nói về một đồng nghiệp: “Anh ấy là một trong
những nhà hùng biện, mà trước khi nói, không biết mình sắp nói gì; khi nói,
không biết mình đang nói gì; và khi ngừng lời, không biết mình đã nói gì.”
Thật là thảm hại. Tôi đã được nghe một vài nhà giao tiếp như thế. Bạn có
phải là người như vậy không? Đáng buồn thay, tôi cũng đã từng là một
trong số họ!
Mọi nhà giao tiếp giỏi đều đi vào vấn đề trước khi người nghe đặt ra câu
hỏi rằng: “Vấn đề ở đây là gì?” Để làm được điều đó, trước khi bắt đầu,
bạn phải biết trọng tâm bài nói của mình là gì. Nhà viết kịch người Hy Lạp,
Euripides nhận xét: “Một khởi đầu tệ sẽ tạo ra một kết cục tồi.” Rõ ràng,
thời điểm để bắt đầu nghĩ về lý do giao tiếp của bạn là trước khi bạn bắt
đầu nói chuyện.
Bất cứ khi nào chuẩn bị giao tiếp với những người khác, cho dù đó là
hàng trăm khán giả hoặc chỉ một người, tôi luôn tự đặt ra hai câu hỏi: “Tôi
muốn họ biết gì?” và “Tôi muốn họ làm gì?” Nếu trả lời rõ ràng được hai
câu hỏi này, thì có nhiều khả năng, tôi đã đi đúng hướng, tập trung vào
đúng vấn đề và kết nối được với người nghe.