• Thứ tôi biết nhưng không cảm nhận được, giao tiếp của tôi không có
cảm xúc.
• Thứ tôi biết nhưng không làm, giao tiếp của tôi chỉ mang tính lý thuyết.
• Thứ tôi cảm nhận được nhưng không biết, giao tiếp của tôi là vô căn
cứ.
• Thứ tôi cảm nhận được nhưng không làm, giao tiếp của tôi là giả tạo.
• Thứ tôi làm nhưng tôi không biết, giao tiếp của tôi đầy kiêu ngạo.
• Thứ tôi làm, nhưng không cảm nhận được, giao tiếp của tôi máy móc.
Khi có đủ cả ba thành phần – suy nghĩ, cảm xúc và hành động – giao tiếp
của tôi có niềm tin, niềm đam mê và uy tín. Kết quả đạt được là kết nối. Tôi
tin rằng bạn có thể đạt được kết quả tương tự khi bạn đưa cả ba thành phần
vào trong hoạt động kết nối của bạn.
Hơn 90% ấn tượng chúng ta thường truyền tải không liên quan nhiều
đến những gì chúng ta thực sự nói ra.
CÁC ĐẶC TÍNH CỦA KẾT NỐI
Bất kỳ thông điệp nào bạn cố gắng để truyền tải phải có một phần của
bạn trong đó. Bạn không thể chỉ nói suông. Bạn không thể chỉ truyền tải
thông tin. Bạn cần phải có nhiều hơn một thông điệp. Bạn phải là một phần
của thông điệp mà bạn muốn chuyển tải, nếu không, bạn sẽ không có được
sự tin cậy và bạn sẽ không thể kết nối.
Bạn đã từng phải truyền tải tầm nhìn của người khác chưa? Rất khó phải
không? Thật khó để đưa cảm xúc của bạn vào quá trình trình bày ý tưởng
của người khác. Tuy nhiên, nếu làm việc trong bất kỳ tổ chức nào và bạn
không phải là nhà lãnh đạo hàng đầu, đó chính là những gì bạn được kỳ
vọng thực hiện. Bạn làm việc đó với niềm tin nào? Bằng cách biến nó thành
tầm nhìn của bạn. Ý của tôi là trước tiên, bạn phải khám phá ra việc tầm
nhìn tác động tích cực đến bạn ra sao. Bạn phải kết nối với nó ở cấp độ cá
nhân. Một khi làm được điều đó, bạn sẽ làm được nhiều hơn việc chỉ đơn
thuần chuyển tiếp thông tin mà còn là truyền đạt cảm hứng. Không gì có
thể xảy ra thông qua bạn nếu nó không xảy ra với bạn.