Bác sĩ chuyên khoa kiêm chuyên gia lãnh đạo Rabbi Edwin H. Friedman
từng nhận xét:
Sự hiểu lầm to lớn của thời đại chúng ta là giả định rằng cái nhìn sâu sắc
sẽ hiệu quả với những người không có động lực thay đổi. Giao tiếp không
phụ thuộc vào các quy tắc, hoặc tài hùng biện mà vào bối cảnh cảm xúc
trong đó thông điệp được truyền tải. Mọi người chỉ có thể nghe thấy bạn
khi họ đang di chuyển về phía bạn và họ không có khả năng đó khi lời lẽ
của bạn bám riết lấy họ. Ngay cả những từ ngữ được chọn lọc nhất cũng
đánh mất sức mạnh của chúng khi chúng được sử dụng để chế ngự. Thái độ
là nhân tố quyết định thành công của bài phát biểu.
Dù suy nghĩ của bạn là tích cực hay tiêu cực, nó đều sẽ xuất hiện khi bạn
giao tiếp với những người khác. Câu ngạn ngữ: “Suy nghĩ của một người
cho thấy anh ta là người như thế nào” rất đúng. Điều đó xuất hiện và tác
động đến cách người khác phản ứng với bạn. Mọi người có thể nghe thấy
lời bạn nói, nhưng họ cảm nhận thái độ của bạn. Điều đó hoặc sẽ cho phép
bạn kết nối với mọi người và giành được thiện cảm của họ, hoặc sẽ khiến
họ xa lánh bạn. Trong thực tế, thái độ của bạn thường xuyên áp đảo lời nói
của bạn khi nói chuyện với người khác. Như Jules Rose của Sloan’s
Supermarket đã chỉ ra: “Những từ ngữ chính xác mà bạn sử dụng ít quan
trọng hơn so với năng lượng, cường độ và sức thuyết phục được chuyển tải
qua chúng.”
Những người có thể kết nối với người khác ở cấp độ tình cảm thường có
danh hoặc uy. Họ nổi bật trong đám đông, luôn hấp dẫn những người khác.
Như một người nào đó thừa nhận: “Mọi người không phải lúc nào cũng
nhớ những gì bạn nói hay làm. Tuy nhiên, họ sẽ luôn nhớ cảm nhận bạn
mang lại cho họ.”
Tại sao một số người lại có khả năng này? Một người bạn và cũng là
đồng nghiệp của tôi, Dan Reiland, đã giúp tôi hiểu điều này. Một ngày anh
ấy hỏi tôi: “John, anh có biết tại sao một số người có uy tín trong khi số
khác thì không không?”