NHỮNG NGÀY THƠ ẤU
H
ai lỗ mũi lúc nào cũng thò lò. Không phải nước mũi mà là thứ keo dinh
dính màu vàng, cố hít cũng chẳng hít lên được. Chẳng phải mình tôi mà tất cả
lũ trẻ thời ấy đều như vậy. Chỉ cần xem cái cách người lớn vơ tất cả lũ trẻ và
gọi chung là “bọn thò lò mũi xanh” thì hiểu. Sau này, khi đã trở thành một
người mẹ, điều tôi luôn lấy làm lạ về những đứa con của mình, đó là trừ phi bị
cảm, còn thì tuyệt nhiên chúng chẳng bao giờ thò lò mũi cả. Mà đâu chỉ những
đứa con của tôi, những đứa trẻ khác cũng thế, chúng hầu như không bao giờ
thò lò mũi. Ngay cả cái thói quen gài sẵn chiếc khăn mùi soa trên ngực mỗi khi
đến trường cũng biến đâu mất. Giờ đây, thay vì thắc mắc tại sao lũ trẻ ngày nay
không bị thò lò mũi nữa, tôi lại thấy lạ rằng tại sao ngày ấy trẻ con lại bị thò lò
mũi nhiều đến như vậy nhỉ?
Mẩu vải hay mẩu giấy đều quý cả. Có khi còn chẳng biết được trên đời có
cái gọi là “khăn mùi soa” nữa. Mũi chảy lòng ròng, vừa chạm tới miệng, liền
lập tức được quẹt ngang một cái bằng tay áo. Bởi thế mà mỗi một mùa đông
buốt giá qua đi, nơi gấu tay áo lại xuất hiện một lớp gỉ đen kịt bám chặt như
keo dính. Một chiếc áo nhồi bông lùm lùm cũng khá đủ để qua một mùa đông.
Mỗi khi thay lớp viền áo, mẹ lại cào xoèn xoẹt phần cổ tay, cố lấy đi mảng
ghét bám chặt ở đó. Bên dưới là chiếc quần bông, quấn thêm cái váy quây. Vải
của váy thường là sợi bông đã được đem hồ nên thường phẳng phiu, bóng láng.
Màu nhuộm ở nhà quê quý lắm. Ông nội thường phải mua về ở mãi tận
Songdo. Nơi tôi sinh ra là một ngôi làng hẻo lánh với vỏn vẹn hai mươi hộ,
được gọi là thôn Parkjeok, làng Muksong, xã Cheongkyo, huyện Gaepung,
cách Gaeseong khoảng hai mươi ri
về phía tây nam; những người trong làng
vẫn gọi Gaeseong là Songdo. Với tôi, Songdo là ngọn nguồn của những giấc