Mẹ con tôi đã gấp gáp quay về Gaeseong. Vợ chồng chú út vốn sống tạm bợ ở
căn nhà trọ nên chẳng vướng bận gì, đã lên Seoul ngay sau anh tôi. Tình hình
có vẻ thuận lợi cho việc làm ăn nên vợ chồng chú út hy vọng sẽ kiếm được thật
nhiều tiền.
Hai mẹ con tôi trở về thu dọn căn nhà ở Namsan-dong, nơi anh chị tôi đã
phải rời đi một cách gấp gáp. Mỗi câu nói của mẹ lại được kết thúc bằng những
tiếng thở dài não nề và cả những giọt nước mắt. Đến tận lúc đó, giường tủ cũng
vẫn chưa được chuyển tới. Chẳng có gì toát lên vẻ ấm áp của cuộc sống một
đôi vợ chồng mới cưới. Tất cả tựa như một chỗ trú ẩn tạm thời rồi lại mau
chóng rời đi của những kẻ bị săn lùng và trong đống bừa bộn đó chỉ còn lại nỗi
niềm của hai kẻ tuyệt vọng.
Góc này góc kia chỉ thấy toàn những bọc thuốc lá chữa bệnh. Những con rết
dài hơn cả gang tay chết khô trông đến phát khiếp. Lại còn có cả lũ dòi bọ bám
nhung nhúc ở đấy nữa. Lúc dọn đến cái đống ấy, khuôn mặt mẹ tôi chợt biến
sắc, hai bàn tay mẹ run run: “Ông trời ơi, tôi nuôi thằng con trai là để chứng
kiến cảnh này sao?” Tôi đứng nhìn cảnh mẹ thở dài não nùng, bản thân cũng
không thể hiểu nổi anh tôi. Rõ ràng, hơn ai hết, anh tôi hiểu rõ về bệnh tình của
chị dâu. Vậy tại sao chẳng đợi chữa khỏi bệnh rồi hãy cưới? Vì lý do gì mà
phải nhất định làm cái việc chẳng có gì tốt cho bệnh tình là chuyện cưới xin ấy
một cách gấp gáp như bị ai đó đuổi ở đằng sau vậy? Mẹ và tôi mãi mãi không
thể hiểu được điều ấy. Nhưng liệu có ai trên đời hiểu được ngọn lửa tình yêu
bùng lên bất ngờ và cuốn lấy tuổi trẻ một cách lạ kỳ mang tính chất định mệnh
ấy? Có thể anh tôi không muốn giấu giếm mọi người, mà đơn giản chỉ là
không thể giải thích được điều đó nên anh đã chẳng nói ra.
Doanh trại quân lính nước ngoài đầu tiên đóng ở Gaeseong là lính Mỹ. Lúc
họ kéo vào, tôi cũng đi xem và vô cùng ngạc nhiên trước vẻ thư thái của đoàn
quân ấy. Có người còn nhai kẹo cao su nhóp nhép, có người thỉnh thoảng lại
nheo mắt với các cô gái, và có người còn bế bổng đứa trẻ nào đó lên. Hình như
đó là đoàn quân không có vũ khí. Bên lề đường, trên các bức tường nhà bắt
đầu xuất hiện vô số các tờ áp phích. Nào là “tự do”, “chủ nghĩa dân chủ”,
“nhân dân”... Tất cả đều là những từ ngữ hết sức cảm thán mà từ bé đến giờ tôi
mới được trông thấy. Khắp nơi ngập tràn những khẩu hiệu trừng phạt kẻ thân