thu hoạch mùa màng, để cảm ơn tổ tiên, trời đất và cũng là dịp để mọi thành
viên trong gia đình đoàn tụ.
Bà nội, mẹ tôi và các thím, tất cả đều mê mẩn thứ màu nhuộm của Đức quốc
ấy. Mỗi lần mua về, ông nội lại hể hả hơn bao giờ hết và thái độ cung kính hết
mực của các nàng dâu đối với bố chồng gần như biến thành sự phục tùng và xu
nịnh. Song, không phải lúc nào các nàng dâu cũng cung kính bố chồng tự đáy
lòng. Đôi khi đó còn là thái độ châm biếm, giễu cợt. Mỗi khi nổi cáu, tiếng nói
nghiêm nghị của ông nội phát ra oang oang, tưởng chừng trời đất có thể sụp
ngay tại chỗ, vậy mà tiếng bước chân dồn dập về phòng của ông lại là dấu hiệu
của sự giảm sút uy lực. Ngay cả trong những giây phút các nàng dâu còn đang
đứng ngây ra chờ đợi cơn thịnh nộ sấm sét nào đó trút xuống, vẫn có tiếng đùa
cợt khe khẽ.
Mẹ tôi là người chuyên buông ra những câu đùa cợt ấy. Mẹ ghé tai thím thì
thầm: “Này, cơm lại bị khê rồi đấy”. Còn thím thì cố nhịn cười nên mặt mũi tái
mét đi. Câu ấy không phải là cơm trong bếp bị khê thật sự, mà có liên quan đến
cái biệt danh “cằm nhô” của ông nội. Râu của ông không mọc dài ra được, cứ
quấn lại với nhau thành một cụm, nhô ra phía trước, làm cho cái cằm của ông
trông hệt như cái muôi xúc cơm. Bởi thế, cái sự cung kính hết mực của các
nàng dâu đối với bố chồng, người hay mua về cho họ màu nhuộm của Đức
quốc, thật ra chẳng có gì liên quan đến sự uy nghiêm của ông nội cả. Đơn giản,
theo như cách nói bây giờ, chỉ là một thói sính đồ ngoại mà thôi.
Còn tôi, cả vẻ biểu hiện bên ngoài lẫn suy nghĩ bên trong, tôi đều không sợ
ông nội. Tình thương của ông dành cho một đứa mất bố từ lúc mới lên ba như
tôi rất đặc biệt. Mỗi khi nhìn tôi, cặp mắt phượng của ông lại khẽ cụp xuống và
tôi có thể cảm nhận được ẩn sâu trong ấy có một thứ gì đó đang bừng bừng
cháy. Có thể đó là thứ tình thương cồn cào đến cháy ruột cháy gan, nhưng tôi
lại coi điều đó như là mình đã nắm được một điểm yếu quan trọng. Tôi tin rằng
dù mình có gây ra điều gì trầm trọng đi chăng nữa thì chắc chắn ông cũng sẽ
vẫn bênh vực tôi. Tôi tin thế và cũng không bao giờ cố ý gây rắc rối, nhưng
quả thật mỗi khi ông vắng nhà, tôi lại thấy buồn bã và rầu rĩ hơn cả.
Có lúc bà nội đay nghiến ông: “Tại ông cứ nuông chiều quá mức thành ra nó
mới như thế. Ông có biết lúc ông không ở nhà, nó ngoan ngoãn, dễ bảo thế nào
không?”. Lập tức ông liền nổi dóa lên: “Nó không có ai để làm nũng nên mới