tất nhiên thầy cũng ghét cả những câu văn hoa mỹ bằng cách mượn cảm xúc
hay cách biểu hiện của người khác. Thật ra, ngày ấy, chỉ cần biết sử dụng hợp
lý những câu văn bóng bẩy, giàu cảm xúc của người khác thì sẽ được coi là có
tư chất văn chương, những đứa có tài ứng dụng ấy đều được gọi là “tài năng
văn học”, vì thế, cách dạy viết văn của thầy quả là một sự phá cách.
Thế rồi tôi cũng có cơ hội để khắc phục mặc cảm tự ti về “tài năng văn học”
và tự phát hiện ra rằng dường như mình cũng có tư chất văn chương. Lần đầu
tiên tôi cảm thấy thực sự mến mộ một người thầy. Thầy có vẻ bề ngoài nghiêm
nghị với đôi mắt to và sáng. Song, mỗi khi thầy mỉm cười, vẻ nghiêm nghị ấy
chợt biến mất và thay vào đó là khuôn mặt hết sức trẻ thơ. Mùa đông, thầy
thường khoác chiếc áo durumagi, áo được may bằng thứ vải không hề đắt tiền,
mà chỉ là thứ vải phin màu đen giản dị. Thầy dạy cả Hán văn, thế nên mỗi khi
thầy cao hứng cất giọng ngâm thơ Hán, giọng thơ thanh thoát của thầy lại vô
cùng hợp với chiếc áo choàng durumagi màu đen ấy.
Ở lớp văn, ngoài những đứa muốn đi theo con đường văn học nghệ thuật
thật sự, còn lại là rất nhiều những thành phần a-ma-tơ chỉ thích chơi bời, nên
không khí trong lớp thật tự do và thú vị. Bàn học được kê thành các dãy bàn
đôi ở giữa lớp, dành cho những đứa đã được ghép cặp cùng nhau, còn lại ở hai
bên cửa sổ là các dãy bàn đơn dành cho những đứa chỉ có một mình, không
ghép với ai cả. Tôi được xếp ngồi một mình ở phía cửa sổ gần sân vận động và
một cách tự nhiên, tôi đã trở nên thân thiết với những đứa bạn ngồi ở đằng
trước và đằng sau. Sau này, tất cả đều là những nhân vật đăng đàn sớm hơn tôi
rất nhiều: Han Mal-suk, nổi tiếng trên văn đàn; Lee Kyung-suk, giáo sư khoa
thanh nhạc trường đại học Seoul; một người nữa cũng viết văn nhưng lại làm
công việc dịch thuật nhiều hơn là Kim Jong-suk và tôi. Tất cả chúng tôi ngồi
thành một hàng và rất tâm đầu ý hợp nên đôi lúc còn bày nhiều trò nghịch
ngợm trong giờ học.
Mỗi khi trong bọn có đứa nào mang cuốn truyện hay nào đó tới lớp, lập tức
ngay cả đang trong giờ học, chúng tôi đều giả bộ mở sách giáo khoa để trước
mặt rồi chúi đầu vào đọc cuốn truyện ấy, thành thử nhiều lúc bị thầy giáo gọi,
chúng tôi đã trả lời sai và trở thành trò cười cho cả lớp học. Hoặc có khi chúng
tôi lại truyền tay nhau những mẩu giấy ghi những ý nghĩ độc đáo vừa bất chợt
nảy ra trong đầu, say sưa đến mức không biết thời gian trôi đi lúc nào. Han