Mỗi lần ra khỏi nhà, ông nội thường đi đến vài ngày sau mới về. Với tôi,
việc đứng chờ ông nội trở về nhà đã trở thành một niềm vui lớn nhất của thời
thơ bé. Phần hiên trước phòng khách nhà tôi đối diện ngay với khoảng sân bên
ngoài không có hàng rào che chắn. Phòng khách lại còn chia làm hai buồng,
buồng trên và buồng mùi rượu. Tôi mê vô cùng cái hơi thở ấm nồng hòa lẫn
với hơi men ấy.
Và sau đó, không bao giờ ông quên thả tôi xuống rồi móc từ trong túi áo
durumagi ra hết thứ này đến thứ nọ, đặt vào tay tôi. Khi thì là cái kẹo lạc được
gói trong chiếc phong bì màu vàng, khi là chiếc bánh, hay cả những đồ ăn mà
ông đã không ngại xấu hổ, lấy từ bàn tiệc gói mang về cho tôi. Ngay tức khắc,
tôi buông tay ông ra và tụt xuống để nếm thử. Sau đó, tôi vừa đi vừa nhảy nhót
ở phía trước một cách vô cùng hoan hỉ. Hai ông cháu vừa bước chân vào nhà
thì gặp ngay ánh mắt quở trách của bà nội - ánh mắt mà như người ta vẫn
thường bảo là dành cho đứa trông thật đáng ghét đang hớn hở như vừa bắt
được của. Còn tôi, lúc ấy trong lòng chỉ có cảm giác hân hoan vì sự chờ đợi đã
thành công.
Nhưng, sự chờ đợi không phải lúc nào cũng được toại nguyện. Có khi tôi
phải chờ mãi, chờ mãi mà chẳng thấy bóng dáng ai xuất hiện. Hoặc có bóng
người xuất hiện trên sườn núi nhưng lại là một người khác. Lúc ấy, một nỗi
buồn chợt dâng nghẹn nơi cổ họng tôi. Cũng có cả những ngày thời tiết thay
đổi, tôi phải đứng chờ trong cái lạnh run lẩy bẩy chân tay. Mấy lần ở nhà dưới
gọi vào, nhưng tôi nhất định không chịu nghe lời. Người lớn bảo tôi là đứa trẻ
mồ côi cha bướng bỉnh. Mẹ thì chặc lưỡi than bất lực vì một mình không dạy
dỗ nổi tôi. Bà nội có lúc còn bạt tai tôi: “Lại cái kiểu bướng đấy, sẽ mách ông
cho mà coi”. Tôi mặc kệ tất cả, quyết làm theo ý mình và chịu đựng mọi sự
mắng mỏ của người lớn. Thật ra không phải là tôi bướng bỉnh. Đó chỉ là vì tôi
cảm thấy thích thú khi được chờ đợi mà thôi.
Sự chờ đợi còn có một cái thú khác. “Ngón cái dính ngón giữa, ông về đến
Đồi Sorigae”. Nhưng nếu hết câu mà hai ngón chưa chạm nhau thì tôi lại đổi
sang: “Ngón cái dính ngón giữa, ông về đến Đồi Nongbawi” và thể nào cũng
trúng. Tôi biết rất nhiều tên đồi và tên suối, nhưng chẳng biết chúng ở đâu cả.
Chỉ cần hết câu nói mà hai ngón tay dính vào nhau là được. Hai ngón dính ở