có sách vở nào để có thể thực hành được. Ở phòng chúng tôi cũng có vài cuốn
truyện do chính tay mẹ chép lại, nhưng từng câu từng câu trong ấy cứ ngoằn
nghèo như dòng nước chảy, nó khác hẳn với những chữ ka, kya, ko, kyo mẹ
viết một cách nắn nót; nên đối với tôi, nó hoàn toàn xa lạ, giống như một loại
chữ viết của một đất nước nào đó xa xôi. Một chữ, tôi cũng chẳng đọc nổi,
huống hồ là hiểu cả nội dung.
Sau khi mẹ lên Seoul, nếu bà nội không thi thoảng nhắc chữ ga mà thêm gi-
yeok ở dưới sẽ thành gak, thêm ni-un sẽ thành gan thì chắc là tôi đã quên sạch
tất cả. Chẳng hiểu mẹ tự tin hay tự đắc đến cỡ nào mà dạy cho có vài chữ đã
đòi tôi phải biết hết, và mặc nhiên nghĩ rằng tôi đã biết hết. Tôi chẳng còn cách
nào, đành giả vờ như biết hết. Chỉ đến khi học một nghìn chữ Hán, lúc đọc
theo ông nội, nào là “thiên”, “địa”, “nhân”..., thì cái vốn ngạn văn lửng lơ của
tôi mới dần được vỡ ra. Hóa ra những chữ nhỏ viết bên dưới các chữ Hán
chính là âm của chúng. Lúc ấy, tôi mới bắt đầu thấy thú vị với việc đọc các chữ
Hàn.
Thật đúng là một công đôi việc. Hai thứ chữ khác hẳn nhau, vậy mà lại có
thể nhìn trộm được chữ này và đọc được chữ kia, vì thế lúc nào tôi cũng được
khen là đứa chỉ cần ông dạy cho một lần là không bao giờ quên. Khi ấy, còn có
cả một anh đi cày cho nhà người khác, anh này trông thật ra dáng, sắp lấy vợ
đến nơi rồi mà còn không thuộc được chữ nên đã bị ông tôi phạt đánh vào bắp
chân, vừa phạt ông vừa lấy tôi ra làm gương. Tôi phổng mũi đấy nhưng cũng
thấy lo lo, vì khi học xong một nghìn chữ thì sẽ chuyển sang sách mới, mà
sách ấy thì không có phiên âm bằng chữ Hàn ở bên cạnh. Và chắc chắn lúc đó,
cái sự thông minh của tôi sẽ bị lật tẩy.
Nhưng rồi thư đường của ông nội cũng không duy trì được lâu. Lại một lần
nữa ông bị trúng gió. Lần trúng gió này không trớ trêu như lần ngã ở sau nhà
trước đó, nhưng lại hết sức bất hạnh, bởi nó đã lấy đi tất cả mọi uy phong của
ông tôi. Tưởng rằng ông gần như đã bình phục, vậy mà giờ, tay phải và chân
phải của ông lại run lẩy bẩy, đến cả việc đi vệ sinh sau nhà, ông cũng không
làm nổi; bàn tay cầm thìa cầm đũa cũng run rẩy làm cho nước canh cứ thể chảy
ròng ròng. Cả lúc ông cất tiếng nói, nước dãi cũng chảy lòng ròng nên lúc nào
trên đầu gối ông cũng luôn có sẵn một cái khăn bông để thấm.