Đêm đó, tôi đã tè dầm ra giường. Cho đến giờ, tôi vẫn còn tin lời nói của
người lớn rằng trẻ con nếu nghịch lửa thì sẽ bị đái dầm. Đến đó thì tôi nhớ rất
rõ, còn sau đấy, việc tôi suýt nữa thì gây cháy nhà như mọi người kể lại thì tôi
không tài nào nhớ nổi. Người lớn kể rằng hôm ấy, vào đúng mùa gặt, tôi đã
trốn trong đống rơm chất trong nhà kho dùng để lợp mái nhà chơi trò kính lúp,
nên ngọn lửa đã bén vào rơm và gây ra cháy.
Đó là cái nhà kho trống hoác, không có cửa, dùng để gom ớt hay ngũ cốc
phơi ở phía sân đối diện với hiên phòng khách khi bất chợt có cơn mưa rào ập
tới. Lúc ấy, có ai đó ở nhà bên cạnh đi gánh nước ở cái giếng gần đấy đã phát
hiện ra ngọn lửa vừa mới kịp bén nên đã lấy nước dập ngay đi.
Có lẽ nào một sự kiện ghê gớm liên quan đến lửa, và suýt nữa thì làm cháy
nhà ấy, lại có thể dễ dàng bị xóa nhòa trong ký ức như thế? Mặc dù luôn tin
tưởng vào trí nhớ của mình, nhất là những ký ức về thời thơ ấu, nhưng cứ mỗi
khi nghĩ đến điều đó, tôi chỉ biết lắc đầu hoài nghi: liệu có phải là câu chuyện
người lớn tự thêu dệt ra để ngăn tôi không được nghịch lửa nữa hay chăng? Dù
gì thì ý nghĩ suýt nữa gây cháy nhà cứ đeo bám trí nhớ của tôi một cách dai
dẳng suốt một khoảng thời gian dài.
Cho đến tận lúc học xong tiểu học, tôi vẫn còn cảm giác dè dặt với việc đánh
diêm châm lửa. Nhưng có lẽ việc không châm được lửa cho ông nội hút thuốc
lúc đó là ký ức buồn thảm nhất. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ sự thất vọng ê chề trong
tôi khi cố thoát ra khỏi nỗi ám ảnh về lửa để gắng giúp ông tôi mà không được.
Tôi tự trách mình sao lại lóng ngóng, hèn nhát đến thế...? Hàng loạt những suy
nghĩ mâu thuẫn chồng chéo chợt ùa về trong tôi.