Mẹ tôi đã khiến những người lớn trong nhà hết sức thất vọng và buồn bực.
Nhưng dù sao mẹ cũng vẫn là dâu trưởng và là mẹ đứa cháu đích tôn yêu quý
của nhà này. Mẹ cũng là một phụ nữ can đảm khi lần đầu tiên dám vượt qua
mọi rào cản, chỉ với hai bàn tay trắng, dấn thân lên Seoul, mảnh đất chỉ cần
nhắm mắt vào là đã có thể cảm nhận được hơi thở gấp gáp. Người lớn trong
nhà không ưa nhưng cũng không coi thường mẹ tôi được. Nhìn vào đống đồ
đạc mẹ gói ghém ở ngoài sân thôi cũng đủ hiểu. Mẹ đang thồ cả người lẫn gạo,
đậu, bột ớt trên cái xe kéo được ghép từ các khúc gỗ.
Bà nội cũng thay quần áo để đi tiễn chúng tôi.
Quãng đường hai mươi dặm đi đến Gaeseong sao mà xa đến vậy. Hết quả
đồi này lại sang cánh đồng khác. Ở đâu có núi và cánh đồng thì có làng của
những người sống ở đó. Có những ngôi làng rộng hơn và nhỏ hơn thôn
Parkjeok. Làng nào cũng có vị trí và hình dáng như nhau, nên chẳng có gì mới
mẻ và thú vị. Các ngôi làng cũng vẫn là một phần của thiên nhiên như tôi hằng
trông thấy. Đến quả đồi thứ tư và cũng là quả đồi cuối cùng, được gọi là Đồi
Nongbawi, dốc một cách bất thường.
Cũng có thể là do tôi mỏi chân quá. Mẹ động viên tôi cố lên, chỉ cần vượt
qua quả đồi này là tới Songdo. Tôi thở hổn hà hổn hển, còn mẹ thì đi đằng sau
đẩy tôi lên.
Mệt và miệng thì khô cong lại, nhưng cuối cùng tôi cũng đặt chân được lên
đỉnh đồi.
Khung cảnh sinh hoạt dưới chân tôi trải rộng trước tầm mắt. Đây chính là
Songdo mà tôi vẫn hằng được nghe kể. Tôi cảm thấy ngỡ ngàng. Trước mắt tôi
là một thành phố lấp lánh ánh bạc. Từ con đường đến các mái nhà, tất cả đều
sáng lóa. Sau này tôi mới biết, đặc trưng của vùng Gaeseong là tất cả các tòa
nhà đều được xây theo kiểu mới; ví dụ như trường cấp ba Songdo hay trường
cấp ba nữ Hosudon đều được ốp đá hoa cương, nền đường lại là cát vàng nên
cả mặt đường và mặt đá đều ánh lên một thứ ánh sáng trắng như vậy. Hóa ra ở
đây, người ta sống như thế này. Tôi không khỏi sững sờ trước vẻ tráng lệ và uy
nghiêm của những thứ do con người tạo ra và chỉ còn biết ném cái nhìn kinh
ngạc về phía đó.