hình thức làm việc theo nhóm, đặc biệt là các nhóm tập trung mang giá trị
tới cho khách hàng.
8. Chúng ta đề cao nhu cầu của nhân viên và cộng đồng mà chúng ta
hoạt động.
Đây không chỉ là một lời tuyên bố ấm áp. Chúng ta muốn tất cả mọi
người đều có cơ hội phát triển. Và chúng tôi muốn cộng đồng nơi chúng ta
đang làm việc sẽ trở nên hùng mạnh hơn, vững chắc hơn khi có sự xuất
hiện của chúng ta.
Tám nguyên tắc này là bước đi quan trọng đầu tiên - không chỉ xác định
những ưu tiên hàng đầu nhằm xây dựng IBM mới, mà còn công kích quan
điểm quản lý thông qua quy trình. Nhưng bước đi đầu tiên này sẽ không
mang lại nhiều giá trị nếu chúng ta không thể biến những nguyên tắc này
trở thành huyết mạch trong IBM. Rõ ràng, sự hô hào cổ vũ và phân tích là
chưa đủ.
Vậy đâu là đòn bẩy nâng cao động lực làm việc? CEO - hay thậm chí
một thống đốc bang hay hiệu trưởng một trường đại học - có thể làm gì để
thay đổi thái độ, hành vi và lối tư duy của cộng đồng? Tất nhiên, động lực
thúc đẩy của mỗi người sẽ khác nhau. Một số người coi tiền là động lực
chính, một số thì lại lấy sự thăng tiến hay sự công nhận làm động lực. Đối
với một số người, động lực lớn nhất lại là nỗi sợ hãi - hay sự tức giận. Hay
với một số người, động lực lại chính là sự học tập, cơ hội gây dựng ảnh
hưởng với người khác, để chứng kiến những nỗ lực của mình mang lại
những kết quả cụ thể. Nhưng hầu hết mọi người đều bị thúc đẩy bởi mối đe
dọa bị thấp kém hơn người khác và được truyền cảm hứng bởi ảo mộng hấp
dẫn về tương lai.
Trong 10 năm qua, tôi thúc đẩy tất cả các đòn bẩy này.