họ là hàng ghế kép dành cho những giám đốc trẻ hơn. Tất cả các giám đốc
đều là đàn ông da trắng, nhưng các trợ lý thì thuộc nhiều chủng tộc. Buổi
họp hôm đó là một cuộc rà soát hoạt động, mỗi giám đốc báo cáo về tình
hình kinh doanh của mình. Tôi để ý thấy những người ngồi sát tường cứ
liên tục ghi chép và thỉnh thoảng lại chuyển các mảnh giấy lên cho những
người ngồi ở bàn. Trông giống hệt cuộc họp Quốc hội Mỹ.
Vào giờ nghỉ giữa giờ, tôi hỏi Ned Lautenbach, “Những người chỉ ngồi
xem mà không tham gia gì là ai vậy?”
“À họ là trợ lý hành chính (AA - Administrative Assistant) của các giám
đốc.” Ông ta trả lời.
Vậy là ngay tại buổi họp đầu tiên trong ngày làm việc đầu tiên ở IBM,
tôi đã “vấp phải” chương trình trợ lý hành chính kiên cố và được sùng bái ở
đây. Hàng trăm, nếu không phải là hàng nghìn, các nhà quản lý trung và
cao của IBM đều có trợ lý riêng, được tuyển từ đội ngũ những người có
triển vọng làm lãnh đạo xuất sắc nhất. Nhiệm vụ của họ khác nhau, nhưng,
theo tôi hiểu, thì các AA này chỉ làm những công việc hành chính và thỉnh
thoảng đảm nhiệm cả công việc của thư ký. Thường thì AA sắp xếp mọi
việc, ghi chép, xem và hy vọng có thể học được điều gì. Họ không tiếp xúc
với khách hàng, cũng không học hỏi việc kinh doanh hay phát triển khả
năng lãnh đạo. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn bắt buộc đối với ai muốn trở
thành quản lý cao cấp của IBM.
Cuối buổi sáng hôm đó, tôi bỏ buổi họp để đến trụ sở chính ở Armonk ăn
trưa cùng Jack Kuehler. Jack là chủ tịch công ty, thành viên hội đồng quản
trị, và giám đốc công nghệ của John Akers. Kuehler kiểm soát tất cả các
quyết định về công nghệ trong công ty. Trong bữa trưa, ông ta rất thoải mái,
dễ chịu và dễ hợp tác. Như những gì tôi biết được từ cuộc nói chuyện với
Akers, rõ ràng IBM bị ám ảnh bởi việc phải tập trung lấy lại vị thế đã mất
vào tay Microsoft và Intel trong thế giới PC. Jack nói như thể truyền đạo