không?
Cả hai cùng cười, đồng dắt nhau đến gian phòng bệnh sau cùng. Họ vừa
đến gian phòng đó bèn dừng lại. Trước mặt họ là một cửa rào sắt. Trong
vòng rào này là gian phòng bệnh nặng. Trong y viện gọi là trại số 7. Bệnh
nhân tuy không nhiều, nhưng mỗi người đều ở cách nhau, vì mỗi bệnh nhân
đều có đặc tính nguy hiểm. Lúc hai người đến, người gác cửa lấy chìa khóa
mở cửa cho họ vào, sau đó liền khóa lại.
Những bệnh nhân này được canh gác kỹ lưỡng không khác nào tội nhân,
gian phòng này có một dẫy hành lang rộng chừng bốn, năm thước, hai bên
có hai dẫy phòng bệnh chạy dài hai phòng tuy nằm cạnh nhau nhưng cách
nhau bằng một tấm vách gạch, không thông đồng nhau được. Mỗi gian
phòng đều khóa chặt, phía trên có một cửa sổ, nhìn vào trong có thể thấy tất
cả.
Trại số 7 này đã có từ khi Lê Dịch Phi mới vào thực tập, nhưng chàng chưa
có dịp bước chân đến. Bởi nơi đây do mấy vị bác sĩ chuyên khoa điều trị.
Những sinh viên mới thực tập không được vào đây. Một số bệnh nhân biết
có người lạ đến tinh thần họ thay đổi nên khó điều trị. Khi hai người vừa
đến, tinh thần của Phi như sắp phải mang một trách nhiệm nặng nề. Chàng
thầm nghĩ, họ là người bệnh, có tội tình gì mà khóa chặt họ lại như tội
phạm.
Tuy chàng không đủ khả năng cứu tất cả các bệnh nhân mang chứng thần
kinh nầy. Vì mỗi người bệnh đều có một dĩ vãng chua cay, khiến cho thâm
tâm họ mất đi sự bình thường. Đối với những bệnh nhân này nếu không thể
điều trị dứt, thì đối với xã hội có nhiều điều tai hại không phải nhỏ. Sự
thực, thuốc thang chỉ làm giảm cơn bệnh chớ không thể trị lành căn bệnh
của họ được. Y sĩ có trách nhiệm, khi tìm hiểu chứng bệnh của họ đi nữa,
không thể nào dùng thuốc mà trị tuyệt căn cho được. Nếu y sĩ tìm được
phương pháp trị lành những chứng bệnh tinh thần này, xem như họ đã thực
hiện được thiên chức của họ.
Nghĩ đến đây, chàng thở dài. Phú nghe Phi thở dài bèn kéo nhẹ cánh tay Phi
hỏi nhỏ:
- Tới những căn phòng của những bệnh nhân này nên lưu tâm một chút.