Cố vấn hôn nhân: “Kỳ nghỉ dưỡng của bà tại đây rất tốn kém, và ông
nhà không lùi bước trước bất cứ một khoản chi phí nào, xin bà hãy biết cho
điều ấy.”
Bác sĩ tâm thần: “Ông nhà than phiền, và tôi cảm thấy ông ấy rất bất
hạnh, vì không thể viết nên cuốn tiểu thuyết vĩ đại của mình.”
Tôi: “Đó là lỗi của tôi chăng?”
Cố vấn hôn nhân: “Không, dĩ nhiên. Miễn sao ông ấy cảm thấy mình
được ủng hộ. Miễn sao ông ấy không phải sản xuất hàng loạt chừng ấy thứ
mà không kịp quan tâm đến chất lượng, không phải viết văn nhằm mục
đích mưu sinh nhiều đến thế để nuôi sống cả nhà, con gái ông bà, ông ấy và
bà. Dù sao ông ấy cũng là chủ gia đình.”
Tôi: “Cuốn tiểu thuyết của anh ấy phải mười năm nữa mới xong. Tôi
không liên quan gì trong sự chậm trễ này. Cách đây bốn năm tôi đã ốm đâu.
Không phải bệnh tình của tôi cản trở anh ấy.”
Bác sĩ tâm thần: “Không, dĩ nhiên, chắc chắn rồi.”
Cố vấn hôn nhân: “Miễn sao ông nhà cảm thấy mình được ủng hộ.
Trong giai đoạn đầy thử thách và cam go này, như mọi người đàn ông đều
chờ đợi ở vợ mình. Vì người chồng và người vợ nên động viên cổ vũ lẫn
nhau. Ông ấy yêu bà. Mặt khác, ông ấy cũng khuyến khích bà vẽ tranh.
Không phải là nhờ ông ấy mà rốt cuộc bà cũng có thể triển lãm tranh đó
sao, ở chỗ một chủ phòng tranh bạn hữu của ông ấy?”
Tôi: “Ông không mảy may nghĩ rằng được thế là cũng có phần nhờ
vào tài năng của tôi sao? Ông nghĩ không thể có chuyện đó chứ gì?”
Bác sĩ tâm thần: “Vẽ là một liệu pháp tốt. Viết lách lại dìm bà trong
cơn bấn loạn mà bà nên tránh xa.”
Tôi: “Tôi biết cuốn tiểu thuyết của mình không ổn. Biết là không ai
thích nó, cả giới phê bình lẫn công chúng. Nhưng tôi không hổ thẹn vì nó.
Tôi sẽ viết một cuốn khác.”