— Không, ông ta nói qua điện thoại không lâu. Ông ta đã uống rượu, như
thường lệ, những lúc như thế ông ta có thể rất dữ tợn, khủng khiếp lắm. Ông
ta muốn tìm thấy đứa con gái đó, ông ta muốn con bé nói cho biết con trai
ông ta đang ở đâu, ông ta gọi điện cho tôi để bảo thế.
— Và bà đã phản ứng thế nào?
Trong hoàn cảnh thông thường, cần không ít tài năng thì mới có thể nói
dối một cách ổn thỏa, chuyện đó đòi hỏi phải có nghị lực, khả năng sáng tạo,
sự bình tĩnh, trí nhớ, tức là khó hơn nhiều so với người ta vẫn tưởng. Nói dối
nhà chức trách là một việc hết sức tham vọng, nó đòi hỏi phải có mọi phẩm
chất trên, nhưng ở một mức độ cao hơn nhiều. Thế nên, nói dối cảnh sát, ta
cũng có thể tưởng tượng… Và Roseline Bruneau không được sinh ra cho
công việc này. Bà đã cố hết sức nhưng giờ đây đã buông xuôi, Camille đọc
thấu con người bà. Và điều này khiến ông thấy mệt mỏi. Ông giơ một tay
lên che mắt.
— Hôm đó bà đã dùng những lời chửi rủa nào, thưa bà Bruneau? Tôi cho
rằng với ông ta, bà chẳng hề khách sáo đâu, chắc hẳn bà đã nói với ông ta
chính xác những gì bà nghĩ về ông ta, tôi có nhầm không?
Một câu hỏi vặn. Trả lời “có” hay “không” sẽ dẫn tới một con đường khác
nhưng bà không thấy rõ được lối ra.
— Tôi không hiểu…
— Có chứ, thưa bà Bruneau, bà hiểu rất rõ tôi muốn nói gì. Tối hôm ấy,
bà đã nói với ông ta những gì bà nghĩ, tức là chắc chắn ông ta sẽ không
thành công ở nơi cảnh sát đã thất bại. Thậm chí bà còn đi xa hơn, tôi không
biết bà đã dùng những từ ngữ gì nhưng tôi chắc chắn rằng bà đã rất hăng.
Theo tôi, bà đã nói với ông ta: “Jean-Pierre, ông là một thằng khốn, một
thằng kém cỏi, một thằng ngu, một thằng bất lực.” Hoặc gì đó tương tự.
Bà mở miệng nhưng Camille không để cho bà kịp nói. Ông nhảy bật dậy
khỏi ghế và lên giọng bởi ông đã quá chán ngán phải đi vòng vòng mãi như
thế này:
— Điều gì sẽ xảy ra, thưa bà Bruneau, nếu tôi lấy điện thoại di động của
bà để xem tin nhắn?