chợt phá lên cười.
- Suốt đời tôi chưa bao giờ có một mẩu đất nào để cắm dùi cả !
- Vậy mà, ở phòng địa chính, khu mỏ lại được lập trước bạ dưới họ tên
của ông. Peter Monroe, quê ở Philadelphia, thế mới lạ chứ.
- Đây là chuyện vượt quá sự hiểu biết của tôi. Vậy mà tôi cứ ngỡ mình
là Peter Monroe độc nhất vô nhị quê ở Philadelphia kia đấy.
Rõ ràng là ông giáo sư đang nói thật. Vì vậy Alice đã tạm thời "cho
qua" đề tài ấy, để sẽ đem ra "xào lại" sau này.
- Giáo sư có nói với cháu là giáo sư muốn cho cháu coi cái gì thì phải ?
- Alice nhắc nhở nhà địa chất.
Ông Monroe gỡ đôi chân dài thòng nãy giờ vẫn bắt chéo nhau ra và đi
về phía tủ sách của mình. Ông rút ra một cuốn sách dày cộm, cũ kỹ, có vẻ
như đã in ra cả một thế kỷ và cẩn thận lần giở từng trang một.
- Bữa nọ, lúc rời khỏi nhà tôi sau khi đã hỏi tôi về một mỏ kaolanh khả
dĩ có trong vùng này, tôi đã cắm đầu vào tham khảo tác phẩm địa chất học
này. Và đây là cái mà tôi đã tìm được.
Ông đưa cho Alice cuốn sách đã mở ở một trang được đánh dấu bằng
một dải băng nhỏ.
- Cô hãy đọc đi ! - Ông nói.
Bằng một ngôn ngữ cổ lỗ, tác giả viết là cách khoảng một ngàn năm
trăm mét về hướng đông nam một gút thắt của dòng sông Thợ Săn người ta
đã tìm thấy, vào thời những người đầu tiên đi khai hoang mở đất, một loại
đất sét trắng mịn.
- Dòng sông Thợ Săn ? - Alice lên tiếng- Chắc hẳn đó là dòng sông có
cây cầu cùng tên bắc ngang, mà ngày nay được gọi là sông Victoria ?
- Đúng - vị giáo sư xác nhận - và loại đất sét trắng được nói đến không
gì khác hơn là kaolanh, nếu không thì tôi không phải là nhà địa chất nữa.
- Xin đa tạ giáo sư- Alice nói trong lúc đứng dậy để cáo từ chủ nhà.
Ned siết chặt bàn tay mà ông Monroe chìa ra cho cậu và nồng nhiệt
cảm tạ vị giáo sư vì sự tiếp đãi ân cần của ông.
Khi trở xuống cầu thang, đôi bạn trẻ bàn tán với nhau về những gì
mình vừa nghe nói.