Chúng tôi cùng giữ im lặng cả tiếng đồng hồ, chăm chú vào những
con chữ trước mặt, cho đến khi Bảo ngẩng lên sau đó, tôi giật mình khi
thấy mắt cô đẫm nước. Điều nay quả có hơi quái gở bởi tôi chưa thấy ai
khóc khi đọc truyện của Anton Chekhov bao giờ. Nếu đọc một tiểu thuyết
bi kịch thì sẽ thế nào nữa. Tôi bối rối với lấy hộp giấy ăn dưới bàn đưa cô:
"Có vẻ hỏi rằng 'Chị ổn không ?' bây giờ thì nghe có vẻ rất ngớ ngẩn,
nhưng mà, chị ổn không?"
"Tôi ổn." Bảo dùng bàn tay với những chiếc móng xinh xắn rút một tờ
giấy ăn, giọng cô ướt nhoẹt như một tấm mút đã sũng nước. Tôi đủ thông
minh và nhạy cảm để nhận ra khi một người phụ nữ nói câu này, họ chẳng
biết họ đang nói gì.
"Có một đoạn nào quá cảm động ư?" tôi hỏi, không giấu nổi sự ngạc
nhiên.
"Không. Chỉ là khi đọc truyện của Anton, tôi luôn thấy rất kì lạ.
Chẳng biết vì sao. Có thứ gì đó cứ nhói lên liên hồi trong những nụ cười
mà ông cố mang lại cho người đọc. Một sự cô đơn mãnh liệt, và tôi thấy
mình trong đó. Tôi tưởng tượng mình ngồi trước một lò sưởi xây bằng gạch
với những thanh củi lớn đang cháy dang dở bên trong, quàng một tấm khăn
len đủ màu của người da đỏ. Khung cửa sổ nhỏ hình vuông treo những
chiếc chuông gió kêu lanh canh và một hình nhân cầu mưa kì dị. Đồng cỏ
bát ngát phía ngoài, trải dài đến một ngọn núi trắng tuyết. Tôi ngồi đó, một
mình, lắng nghe hơi thở của mùa Đông quằn quại bên ngoài. Cứ mỗi lần
đọc truyện của Anton, tôi tự đặt mình vào ngôi nhà gỗ nhỏ giữa thảo
nguyên đó, và đôi khi khóc vì sự cô quạnh của mình."
Tôi càng bối rối hơn khi nghe Bảo nói. Một cô gái học luật với dáng
người của vận động viên thể thao đang khóc khi đọc một tập truyện cười và
kể cho tôi về ngôi nhà có lò sưởi giữa mùa Đông lạnh giá. Tôi chưa từng có
kinh nghiệm giải quyết mấy vấn đề như thế này nên cũng chẳng biết nên tư