những ngôi nhà. Chẳng bao lâu đám cháy lan rộng, khủng khiếp, tàn phá
sạch trên đường đi của nó. Khi cháy tới cầu Luân Đôn, thành phố bị đe dọa,
vì dưới cầu đầy những tàu thuyền đậu, nếu đổ xuống thì chúng sẽ bịt kín
mọi lối ra vào. Những cây gỗ cháy thành than rơi xuống nước phá hủy các
bánh xe guồng nước, do đó loại bỏ khả năng độc nhất chống lại lửa có hiệu
quả nhất. Người ta phải dùng đến các thùng chuyền tay nhau, đến các vòi,
các câu liêm để kéo đổ những ngôi nhà cháy.
Mọi người vẫn đi lễ nhà thờ sáng chủ nhật như thường lệ: có một số tin
đồn gieo rắc trong các phố là có một người cưỡi ngựa báo động:
- Cầm vũ khí! Cầm vũ khí! Bọn Pháp đã đổ bộ!
Mãi đến mười một giờ nhà Vua mới được báo tin. Người lập tức tới hiện
trường cùng với quận công York và ra lệnh ngay cho phá đổ các ngôi nhà.
Tuy đã quá muộn để cứu thành phố, nhưng đó là tất cả những gì mà các
ngài có thể làm được. Các ngài giúp vào việc sử dụng các dụng cụ bơm
chuyền các xô nước, tăng cường từ nơi này đến nơi kia, động viên dân
chúng. Các ngài tỏ ra can đảm, cương quyết, tinh thần của các ngài đầy
sáng tạo làm ngăn chặn sự khủng khiếp và những cảnh hỗn loạn.
Mặc dù vậy, thành phố không an ninh cho những người ngoại quốc mà
người ta cứ cho là Hòa Lan hoặc Pháp. Tại phố Fenchurch, một người thợ
rèn giết một người Pháp bằng thanh sắt đập vỡ quai hàm. Có tin đồn một
người đàn bà mang trong người những trái lựu đạn bị đánh trọng thương,
thực ra lựu đạn chỉ là những con gà giò. Một người Pháp khác mang những
quả banh quần vợt bị bắt và bị đánh đập. Không ai cần biết họ có tội hay
không. Trong cơn cuồng loạn mỗi lúc một tăng, ai nấy đều muốn biết
nguyên nhân của tai họa khủng khiếp ấy, người ta phát hiện thấy một trong
vấn đề mà người Anh nghi ngờ và căm thù hơn cả: bọn Pháp, bọn Hòa Lan
và bọn công giáo. Một trong số đó phải là thủ phạm, và người ta quyết định
không để cho thủ phạm thoát được. Vua Charles cho bắt giữ những người
ngoại quốc để bảo vệ họ, tòa đại sứ Tây Ban Nha mở cửa cho nhiều người
khác vào ẩn nấp.