chỉ là một, vạn vật và mọi hình thể sinh hoá chỉ là một hình thể này do một hình
thể trước kia chuyển qua, sở dĩ ta tưởng như hai chỉ vì đã có sự thay đổi bề
ngoài mà giác quan chúng ta không đủ nhận ra được cái bản thể ở bên trong.
Quan niệm đó mặc dầu đã được diễn ra trong các bộ Upanishad, nhưng ở thời
đại Veda, vẫn chưa thành tín ngưỡng của dân chúng, dân tộc Ấn-Aryen cũng
như dân tộc Aryen ở Ba Tư thời đó chưa tin thuyết luân hồi mà chỉ mới tin rằng
cá nhân bất diệt. Sau khi chết, linh hồn hoặc bị trừng phạt chịu cảnh đoạ dày,
hoặc sống trong cảnh hạnh phúc bất tuyệt, được thần Varuna đưa tới một vực
thẳm tối tăm tựa như địa ngục, hoặc được thần Yama dắt lên trời nơi đó hưởng
đủ những thú vui trên trần một cách vĩnh viễn. Bộ Upanishad Katha có câu:
“Con người chết đi như cây lúa, rồi tái sinh như cây lúa”.
Theo chỗ chúng tôi biết ngày nay thì tôn giáo Veda thời nguyên thuỷ không
dựng đền, đúc tượng, mỗi khi cúng tế chỉ dựng một bàn thờ mới, như người Ba
Tư thời Zoroastre, và ngọn lửa linh thiêng bốc lên trời như dâng trời những lễ
vật của loài người. Ngày nay còn những di tích tỏ rằng thời đó có tục giết người
để tế thần như hầu hết mọi nền văn minh khác thời nguyên thuỷ, nhưng di tích
rất hiếm và không được chắc chắc lắm. Cũng như ở Ba Tư, thỉnh thoảng người
ta giết ngựa tế thần. Một tục kì lạ nhất là tục Ashvamedha: hình như người ta tin
rằng sau khi giết một con ngựa để tế thần thì con ngựa đó thành một linh vật và
hoàng hậu kết hợp với nó. Đồ cúng thường dùng nhất là nước soma mà người ta
rảy trong khi tế, và bơ nước mà người ta đổ lên ngọn lửa. Gần trọn buổi cúng tế,
người ta đọc toàn thần chú, nếu cúng tế đúng phép thì dù ăn ở bất nhân, lời cầu
nguyện của mình cũng được chứng giám. Nghi thức tế lễ mỗi ngày mỗi thêm
rắc rối, các thầy cúng bắt tín đồ phải đóng một số tiền rất lớn, và nếu không chịu
đóng trước thì họ không chịu đọc thần chú, họ muốn ăn chắc và muốn được trả
công trước cả thần nữa. Họ tự qui định mỗi cuộc lễ nào đó phải trả cho họ bao
nhiêu bò hoặc ngựa hoặc vàng, muốn được lòng họ và được lòng các vị thần thì
không gì bằng vàng. Các Brahmana [Phạn Chí] do các Bà La Môn viết, chỉ cho
các thầy cúng cả những cách làm lén ra sao để hại một tín đồ nào không đóng
góp đủ số.