chồng bà đang ngồi trước bàn viết, và trong trường hợp ấy thì bà không thể
trông thấy ông. Theo bà biết, ông hoàn toàn khỏe mạnh và tỉnh táo. Bà
không hề biết có kẻ nào có hiềm thù với ông.
Đến phiên mình, tôi trình bày về cuộc hẹn với Protheroe và cú điện thoại
gọi tôi đến nhà ông Abbott. Tôi mô tả việc đã phát hiện tử thi và gọi bác sĩ
Haydock đến ra sao.
“Mục sư Clement, có bao nhiêu người biết rõ chiều hôm ấy đại tá
Protheroe đến nhà ông?”
“Tôi nghĩ là rất nhiều. Bà nhà tôi và cháu trai tôi biết, và sáng hôm ấy khi
gặp nhau trong làng thì đại tá Protheroe cũng đã nhắc đến việc này. Ông ấy
hơi lãng tai nên nói rõ to, tôi nghĩ một số người có thể tình cờ nghe được.”
“Thế thì bất cứ ai cũng có thể biết việc ấy đúng không?”
Tôi đồng ý.
Tiếp theo là Haydock. Ông là một nhân chứng quan trọng. Ông mô tả kỹ
lưỡng và bài bản tình trạng của tử thi và vết thương. Theo ý kiến của ông thì
nạn nhân bị bắn trong lúc đang viết thư. Ông ước tính thời điểm chết là vào
khoảng sáu giờ hai mươi đến sáu giờ rưỡi — và chắc chắn không thể trễ hơn
sáu giờ ba mươi lăm. Đó là giới hạn tối đa, ông nhấn mạnh điều này một
cách quả quyết. Không có vấn đề tự sát vì vết thương không phải do tự ý
gây ra.
Lời chứng của viên thanh tra rất thận trọng và ngắn gọn. Ông kể lại việc
mình được gọi đến và trông thấy xác chết trong tình trạng thế nào. Bức thư
viết dở được tìm thấy với thời điểm sáu giờ hai mươi phút ghi đầu thư. Rồi
cả chuyện chiếc đồng hồ để bàn, xem như xác nhận thời điểm nạn nhân bị
giết là sáu giờ hăm hai phút. Cảnh sát không phát hiện gì thêm. Sau đó Anne
Protheroe nói với ông rằng bà nghĩ thời điểm mình đến nhà mục vụ là sớm
hơn sáu giờ hai mươi một chút.
Mary, cô hầu của gia đình tôi là nhân chứng tiếp theo. Cô ta tỏ ra hung
hăng ngỗ ngược khi nói rằng mình chẳng nghe thấy gì mà cũng không muốn
nghe bất cứ điều gì. Đâu phải quý ông nào đến thăm mục sư cũng hở cái là
bị bắn kia chứ! Không có chuyện đó. Cô ta còn bao việc phải làm. Đại tá