“Phải đó, raison d’etre về việc ông ta cứ lảng vảng ở đây,” tôi gợi ý,
nhưng mấy chữ tiếng Pháp ấy là quá sức viên cảnh sát. Vì không hiểu, anh
ta trả đũa bằng giọng lạnh lùng:
“Đúng là người hổng hiểu biết gì ráo trọi!”
“Dù sao anh vẫn chưa tìm ra chiếc vali mà,” tôi nói.
“Nhất định tụi tui sẽ tìm ra cho coi. Chắc chắn luôn.”
“Ta đã suy nghĩ về chuyện này và thấy không có gì chắc chắn,” tôi nói.
“Bà Marple cho biết chỉ một lát sau là cô Cram trở ra tay không. Trong
trường hợp đó, cô ta không đủ thời gian để vào đến đây rồi trở ra.”
“Mục sư đừng tin lời mấy bà già. Khi họ đang tò mò điều gì và hóng hớt
chờ thì thời gian trôi nhanh lắm. Mà dù sao thì đàn bà chẳng bao giờ biết
đúng giờ.”
Tôi thường tự hỏi vì sao thiên hạ chuyện gì cũng thích khái quát hóa nhỉ!
Sự khái quát hiếm khi hoặc chẳng bao giờ chính xác, và thường là cực kỳ
không phù hợp. Bản thân tôi cũng rất kém ý thức về thời gian (vì thế tôi
thường để đồng hồ đi nhanh), còn bà Marple thì phải nói là người hết sức
tinh nhạy. Đồng hồ nhà bà chính xác đến từng phút, còn bản thân bà việc gì
cũng đúng giờ răm rắp. Tuy nhiên, tôi không có ý định tranh cãi với cảnh sát
Hurst về điểm này. Tôi chúc anh ta may mắn rồi tạm biệt.
Khi về gần đến nhà tôi chợt nghĩ ra một điều. Chỉ là một giải pháp vừa lóe
lên trong đầu chứ chẳng có gì gọi ý cho tôi cả.
Quý vị hẳn còn nhớ ngay sau hôm vụ mưu sát xảy ra, lần đầu tiên khi tôi
đi tìm kiếm con đường mòn, tôi đã nhìn thấy những bụi cây bị giẫm rạp ở
chỗ nọ. Điều đó chứng tỏ — hoặc do tôi nghĩ lúc ấy — chúng đã bị
Lawrence giẫm lên, kế tiếp tôi cũng bước qua khiến chúng ngã rạp xuống.
Nhưng tôi nhớ sau đó anh ta và tôi lại tìm ra một lối mòn khác nhỏ hơn, là
lối Thanh tra Slack đi qua. Nghĩ tới đó, tôi lại nhớ rõ như in rằng lối mòn
đầu tiên (mà Lawrence đi qua) dễ nhận ra hơn lối đi thứ hai rất nhiều, nghĩa
là đã có hơn một người từng đi qua lối mòn ấy. Tôi nghĩ có thể ban đầu điều
đó đã gây sự chú ý cho Lawrence. Giả sử lối mòn này là do tiến sĩ Stone,
nếu không thì cũng do cô Cram tạo ra thì sao nhỉ?