bà Hartnell và tôi đều biết rõ điều đó, nhưng vì lịch sự nên tôi vờ không biết,
chỉ lẩm bẩm:
“Thế ư?”
“Tôi không muốn bỏ danh thiếp vào hộp thư vì như thế có vẻ khiếm nhã,
mà dù gì đi nữa thì tôi cũng chưa bất lịch sự bao giờ.”
Bà ta tuyên bố điều đáng ngạc nhiên ấy mà không hề chớp mắt.
“Vậy nên tôi nghĩ mình nên đi một vòng quanh nhà — và gõ vào cửa
kính,” bà trơ trẽn nói tiếp. “Tôi đánh một vòng và nhìn vào tất cả các cửa sổ,
nhưng chẳng có ai trong nhà cả.”
Giờ tôi đã hoàn toàn hiểu ý bà Hartnell. Lợi dụng lúc cả nhà đi vắng, bà
không cưỡng được thói tò mò nên đã đi vòng quanh, quan sát khu vườn, săm
soi tất cả các cửa sổ và tìm cách nhìn vào trong. Bà ta chọn tôi để kể lại
chuyện này vì tin rằng tôi dễ đồng cảm và khoan dung hơn là cảnh sát. Là
mục sư, hễ còn nghi ngờ thì không buộc tội giáo dân.
Tôi không bình luận gì về tình huống này mà chỉ hỏi:
“Lúc ấy là mấy giờ, bà Hartnell?”
“Theo tôi nhớ thì khoảng gần sáu giờ. Ngay sau đó tôi quay về thẳng và
đến nhà khoảng sáu giờ mười phút, rồi bà Protheroe ghé qua khoảng sáu giờ
rưỡi, chúng tôi nói về việc trồng hành, còn tiến sĩ Stone và ông Redding thì
đang ở bên ngoài. Và trong khoảng thời gian ấy ông đại tá đáng thương gục
chết. Cuộc đời mới buồn làm sao!”
“Đôi khi cuộc đời còn xấu xa nữa,” tôi nói.
Rồi tôi đứng dậy.
“Đó là tất cả những gì bà muốn nói với tôi phải không?”
“Tôi chỉ nghĩ điều đó có thể rất quan trọng.”
“Có lẽ thế,” tôi tán thành.
Và không muốn bị lôi kéo thêm, tôi cáo từ trước sự thất vọng của bà
Hartnell.