Đến giờ ăn trưa, hai người lại ngồi chung bàn với nhau và một lần nữa, họ
chẳng ngó ngàng gì đến người hành khách thứ ba.
Câu chuyện của họ có vẻ sôi nổi hơn so với bữa điểm tâm. Đại tá
Arbuthnot nói về Punjab, và thỉnh thoảng lại hỏi cô gái vài câu về
Baghdad. Thì ra là nơi mà cô hành nghề bảo mẫu. Trong khi trò chuyện, họ
phát hiện ra một số bạn bè chung và điều này đã đem lại hiệu quả tức thời,
làm cho họ thêm phần thân thiện và bớt vẻ lạnh lùng. Họ nói với nhau về
già Tommy và gã Jerry nào đó. Viên đại tá thắc mắc liệu cô gái sẽ về thẳng
nước Anh hay dừng lại ở Stamboul.
“Tôi về thẳng.”
“Vậy có đáng tiếc không nhỉ?”
“Tôi từng đi chuyến này cách đây hai năm và đã ở Stamboul ba ngày”.
“À ra thế. Tốt lắm, vậy thì tôi xin nói rằng tôi rất vui mừng là cô về thẳng
vì cả tôi cũng vậy.”
Ông khẽ nghiêng người trong một động tác khá ngượng nghịu, khuôn mặt
hơi ửng đỏ.
“Ngài đại tá của chúng ta là người dễ xúc cảm,” Hercule Poirot thích thú
nghĩ. “Đi tàu cũng nguy hiểm chẳng kém gì du lịch đường biển.”
Cô Debenham cũng nói rằng như vậy thì quá tốt. Kiểu cách của cô có phần
hơi khắc nghiệt.
Hercule Poirot để ý thấy Đại tá tiễn cô gái trở về khoang. Một lúc sau tàu đi
ngang qua khung cảnh Taurus lộng lẫy. Khi họ
đứng cạnh nhau ở hành lang nhìn xuống cổng Cilicia, cô gái chợt buông
tiếng thở dài. Poirot đứng gần đó, nghe giọng cô thì thào: