gã này và thuê ông canh chừng gã. Không có bằng chứng nào hậu thuẫn
cho những lời này. Chúng ta chỉ có lời khai của Hardman mà thôi. Chúng ta
hãy xem xét câu hỏi kế tiếp: Có đúng Hardman là người như ông ta tự giới
thiệu, tức một thám tử của Văn phòng thám tử New York?
“Với tôi, vụ này có cái thú vị là ta không có bất cứ phương tiện nào của
cảnh sát. Ta không thể điều tra tính chân thật trong lời khai của bất cứ ai. Ta
chỉ có thể dựa vào suy diễn. Với tôi, điều này làm cho mọi thứ trở nên lý
thú hơn rất nhiều. Không phải là một công việc thường ngày nhàm chán
nữa, mà là một công việc trí tuệ. Tôi tự hỏi: ‘Liệu có thể chấp nhận lời kể
của Hardman về
chính bản thân?’ Tôi ra quyết định và tự trả lời là: ‘Có thể.’ Tôi nghiêng về
ý kiến cho rằng có thể chấp nhận lời kể của Hardman về bản thân.”
“Ông dựa vào trực giác, hay cái mà người Mỹ vẫn gọi là
‘ hunch’?” bác sĩ Constantine hỏi.
“Không hề. Tôi dựa vào những khả năng. Hardman đang du lịch với một hộ
chiếu giả. Điều này sẽ lập tức biến ông ta thành đối tượng nghi vấn. Việc
đầu tiên mà cảnh sát sẽ làm khi họ đến hiện trường là bắt giữ Hardman và
đánh điện hỏi xem những lời khai về lai lịch của ông ta là thật hay giả. Với
nhiều hành khách, việc kiểm tra tính chân thật là không dễ, nhất là khi
không có gì gắn họ với điều khả nghi. Nhưng trường hợp Hardman thì lại
quá đơn giản. Hoặc giả ông ta đúng là người mà ông ta tự giới thiệu, hoặc
giả là không. Cho nên tôi mới nói là tất cả những điều này chỉ ra rằng ông
ta nói thật.”
“Ông loại ông ta khỏi đối tượng tình nghi?”
“Không hề. Ông hiểu lầm tôi rồi. Theo chỗ tôi biết, dù là thám tử Mỹ thì
cũng đâu có nghĩa là không có những lý do riêng tư để