Tim Allerton liền xen vào: “Hắn ta có thể hành động dễ dàng ấy mà. Hãy
nhớ rằng sau một việc như thế này luôn có một khoảng thời gian bị sốc.
Người ta nghe tiếng súng nổ sẽ bị bất động trong giây lát.”
“Đó có phải là kinh nghiệm của anh không, anh Allerton?”
“Vâng, đúng thế. Tôi đứng như thằng ngơ khoảng năm giây. Sau đó thì
tôi chạy lòng vòng trên boong tàu.”
Lúc đó Race bước ra khỏi ca-bin của Bessner và yêu cầu: “Mọi người có
thể tránh ra được không? Chúng tôi muốn mang thi thể ra ngoài.”
Mọi người răm rắp dạt ra. Poirot cũng nép người sang một bên cùng họ.
Cornelia buồn rầu thành thật thú nhận với ông: “Tôi sẽ không bao giờ quên
được chuyến đi này khi nào tôi vẫn còn sống. Ba cái chết… Quả là ác
mộng.”
Ferguson nghe được liền nói: “Đó là do em quá nhạy cảm mà thôi. Em
phải nhìn cái chết như người phương Đông ấy. Chỉ là một tai nạn – khó mà
nhận biết được.”
Cornelia đáp lại: “Điều đó cũng không có gì. Những con người tội
nghiệp, họ không được giáo dục đàng hoàng.”
“Không, và đó cũng là điều tốt. Giáo dục đã làm mất đi sinh khí của
chủng tộc da trắng rồi. Hãy nhìn nước Mỹ kìa – luôn cổ súy cho văn hóa ăn
uống say sưa. Thật là ghê sợ.”
Cornelia đỏ mặt nói: “Anh nói vớ vẩn quá. Mỗi mùa đông tôi đều tham
dự các lớp về Nghệ thuật Hy Lạp và thời Phục hưng, tôi cũng đã đến các
buổi nói chuyện về Những người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử.”
Ferguson liền rên rỉ nhại lại: “Nghệ thuật Hy Lạp; Thời Phục hưng!
Những người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử! Cô làm tôi phát bệnh. Tương
lai mới quan trọng, không phải là quá khứ, cô à. Ba người đàn bà chết trên
con tàu này. Ô, chuyện gì chứ? Chẳng mất mát gì cả! Linnet Doyle và tiền
của cô ta! Người hầu gái Pháp – một kẻ sống kí sinh. Còn bà Otterbourne –
một kẻ ngu ngốc vô dụng. Cô nghĩ ai sẽ quan tâm đến việc họ chết hay
sống? Tôi thì không có chuyện đó đâu. Tôi còn nghĩ đó là việc tốt!”