Hết thảy quần thần phải nghe theo chiếu dụ. Đấy chính là vương lực, tự lực
cùng có.
Pháp môn Niệm Phật cũng giống như thế: chưa đoạn Hoặc nghiệp,
nương Phật từ lực vãng sanh Tây Phương liền thoát sanh tử, giống như thái
tử mới sanh đã quý hiển át cả quần thần. Khi đã vãng sanh, Hoặc nghiệp tự
đoạn, quyết định bổ vào địa vị Phật, giống như thái tử khôn lớn kế thừa ngôi
báu, bình trị thiên hạ.
Thêm nữa, bậc đã đoạn Hoặc nghiệp như Mã Minh, Long Thọ, tổ sư các
tông, bậc đã chứng địa vị Bổ Xứ như Văn Thù, Phổ Hiền, Hoa Nghiêm hải
chúng đều nguyện vãng sanh, giống như trước kia trấn giữ chốn biên thùy
hẻo lánh, chẳng thể nối ngôi, nay sống trong Đông Cung, chẳng bao lâu sẽ
lên ngôi báu.
* Tâm tánh chúng ta hệt như chư Phật, chỉ vì mê trái nên luân hồi chẳng
ngơi. Như Lai xót thương tùy cơ thuyết pháp khiến cho hết thảy hàm thức
đều biết đường về nhà. Pháp môn tuy nhiều, trọng yếu chỉ có hai môn Thiền
và Tịnh là dễ liễu thoát nhất. Thiền chỉ có tự lực, Tịnh kiêm Phật lực.
So sánh hai môn, Tịnh khế cơ nhất, như người vượt biển phải nhờ sức
thuyền mới mau đến được bến, thân tâm thản nhiên. Chúng sanh đời mạt chỉ
có thể hành nổi pháp này. Nếu không là trái với căn cơ, nhọc nhằn nhưng
khó thành. Phát đại Bồ Đề, sanh tín nguyện chân thành, thiết tha, suốt đời
kiên trì, chỉ niệm đức Phật. Niệm đến cùng cực, tình kiến mất sạch chính là
niệm nhưng vô niệm, diệu nghĩa Thiền - Giáo triệt để hiển hiện; đến khi lâm
chung được Phật tiếp dẫn lên ngay thượng phẩm, chứng Vô Sanh Nhẫn. Có
một bí quyết, tha thiết bảo ban: “Dốc lòng thành, tận lòng kính” mầu nhiệm,
huyền diệu làm sao!
---o0o---
VIII. GIẢI QUYẾT NHỮNG ĐIỀU NGHI HOẶC THƯỜNG GẶP
1. Luận về sự - lý
* Lý thế gian hay xuất thế gian chẳng ra khỏi hai chữ “tâm tánh”. Sự thế
gian và xuất thế gian chẳng ra khỏi hai chữ “nhân quả”. Chúng sanh trầm
luân cửu giới, Như Lai chứng Nhất Thừa, nhưng tâm tánh chẳng tăng hay
giảm mảy may nào! Sở dĩ thăng - trầm khác xa nhau, khổ vui cách biệt vời
vợi là do tu đức nơi nhân địa chẳng giống hệt nhau nên thọ dụng quả địa
khác biệt.