Người xưa nói: “Người tu hành nếu không chánh tín, cầu vãng sanh Tây
Phương, tu lung tung các điều thiện khác thì gọi là oan gia đời thứ
ba” chính là nói đến tình cảnh này. Bởi lẽ, do đời này tu hành, đời sau
hưởng phước. Cậy phước làm ác ắt bị đọa lạc. Tạm vui trong đời này, khổ
mãi trong cả kiếp dài lâu. Ví như nghiệp địa ngục tiêu hết, lại chuyển sanh
làm súc sanh, muốn lại được thân người, khó vô cùng khó!
Vì thế, đức Phật dùng tay nhón lấy chút đất, hỏi A Nan: “Đất trong tay ta
nhiều hay đất trong đại địa nhiều?” A Nan bạch Phật: “Đất trong đại địa
nhiều!” Phật dạy: “Được thân người như đất trong tay ta, mất thân người
như đất trong đại địa”. Nói “muôn kiếp và ngàn đời, không một ai nương
dựa” là do bị ràng buộc bởi vần điệu của bài kệ nên chỉ nói thiển cận như
thế.
Hết thảy pháp môn chuyên cậy vào tự lực, pháp môn Tịnh Độ chuyên
cậy vào Phật lực. Hết thảy các pháp môn phải hết sạch Hoặc nghiệp mới có
thể liễu sanh tử. Pháp môn Tịnh Độ đới nghiệp vãng sanh liền dự vào dòng
Thánh. Đại sư Vĩnh Minh sợ thế gian chẳng biết nên soạn riêng bài Liệu
Giản này để chỉ dạy cho đời sau, có thể nói là “chiếc bè báu nơi bến mê, là
người dẫn lối nơi đường hiểm!” Tiếc là mọi người trong thế gian đọc lướt
qua, chẳng chịu nghiên cứu đến cùng tột, chẳng phải là đồng phận ác nghiệp
xui khiến đến nỗi thành như thế chăng?
* Đạt Ma từ Tây qua, truyền Phật tâm ấn, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh
thành Phật. Nhưng cái để thấy, để thành ấy chính là thiên chân Phật tánh có
sẵn ngay nơi tâm chúng ta, [Ngài dạy như thế] để con người trước hết biết
được cái gốc rồi tự dựa vào đó mà tấn tu hết thảy các pháp tu chứng cho đến
khi nào tu được cái không thể tu, chứng được cái không thể chứng mới thôi!
Chứ chẳng có nghĩa là vừa ngộ liền đầy đủ cả phước lẫn huệ, viên mãn rốt
ráo Phật đạo Bồ Đề! Giống như vẽ rồng điểm nhãn để [người nghe] tự mình
được thọ dụng.
Do vậy, Thiền tông phát triển rực rỡ, chói ngời nơi Chấn Đán (Trung
Hoa), đạo “tâm này chính là Phật”, pháp “phi tâm phi Phật” lan khắp hoàn
vũ. Người thiên cơ sâu đối với mỗi cơ, mỗi cảnh liền biết đầu mối, liền phun
châu nhả ngọc, chẳng vướng lối sáo mòn, vào sống ra chết trọn chẳng ngăn
ngại, sợ hãi, được đại giải thoát, đắc đại tự tại. Nếu căn cơ hơi kém hơn, dù
đại triệt, đại ngộ, nhưng phiền não tập khí chưa thể trừ sạch thì vẫn là người
trong sanh tử y như cũ. Xuất thai cách ấm
37
đa phần bị mê. Bậc đại ngộ còn
như thế, huống kẻ chưa ngộ ư? Vì thế phải chuyên tâm dốc chí vào pháp
môn Tịnh Độ cậy vào Phật từ lực mới là kế sách ngàn phần ổn thỏa, vạn
phần thích đáng vậy!