Chữ Ấm có nghĩa là ngăn che, ý nói: do nghiệp lực này ngăn che
khiến chân tánh chẳng thể hiển hiện được. Có kẻ cho rằng “ta đà” nghĩa
là lầm lạc, “ấm cảnh” là cảnh [hiển hiện bởi] ngũ ấm ma, toàn là do
chẳng hiểu chữ Thiền và chữ Có nên mới nói hồ đồ như thế. Lẽ nào bậc
đại triệt đại ngộ mười người hết chín kẻ lạc lối, chạy theo cảnh ngũ ấm
ma bị ma dựa phát cuồng ư? Phàm những kẻ bị ma dựa phát cuồng toàn
là hạng tăng thượng mạn chẳng biết giáo lý, chẳng rõ tự tâm, tu mù luyện
quáng đó thôi, sao lại gán cho bậc đại triệt đại ngộ là chẳng biết tốt xấu
vậy? Điều này quan hệ rất lớn, chẳng thể không biện định rõ!
* “Không Thiền, không Tịnh Độ; giường sắt và cột đồng, vạn kiếp cùng
ngàn đời, không một ai nương dựa”. Có kẻ cho rằng câu “không Thiền,
không Tịnh Độ” chỉ kẻ vùi đầu tạo nghiệp, chẳng tu thiện pháp, thật lầm lẫn
quá!
Pháp môn vô lượng, nhưng chỉ có Thiền và Tịnh Độ phù hợp với các
căn cơ nhất. Kẻ nào chưa triệt ngộ, lại chẳng cầu vãng sanh, hời hợt, qua
quít tu các thiện pháp khác. Đã chẳng thể cân bằng Định Huệ, đoạn Hoặc
chứng Chân, lại chẳng cậy vào Phật lực để đới nghiệp vãng sanh; do đã
tạo ác nghiệp, khó trốn khỏi ác báo. Một khi hơi thở ra chẳng trở vào,
liền đọa địa ngục, rõ ràng là trải kiếp dài lâu nằm ngồi, ôm ấp giường sắt,
trụ đồng để đền trả các thứ ác nghiệp: tham lam thanh sắc, sát sanh hại
mạng v.v... Chư Phật, Bồ Tát tuy rủ lòng thương xót, nhưng họ bị ác
nghiệp chướng ngăn che nên chẳng thể được lợi ích.