phải là người thật sự có đạo nhãn sẽ chẳng thể phân biệt biết rõ tất cả những
cảnh giới ấy. Nếu tưởng lầm đó chính là dấu hiệu [chứng tỏ mình chứng
đắc] sẽ bị ma dựa phát cuồng, không sao chữa được!
Người niệm Phật dùng lòng tín nguyện chân thành, thiết tha, trì vạn đức
hồng danh ví như mặt trời rực rỡ giữa hư không, đi trên đường lớn của vua,
chẳng những quỷ mị vọng lượng biến mất tăm tích, ngay cả những ý niệm
ngoắt ngoéo, sai trái cũng chẳng sanh từ đâu được. Suy đến cùng cực, chẳng
qua là: Niệm đến mức công thuần, lực tận thì toàn tâm là Phật, toàn Phật là
tâm, tâm - Phật bất nhị, tâm - Phật như một mà thôi! Chỉ sợ con người chẳng
biết đến hạnh ấy, lý ấy, nên chẳng thể xứng hợp ý nguyện phổ độ chúng
sanh của Phật; chứ phải đâu là bí mật chẳng truyền, chỉ truyền riêng cho
mình ông ư? Nếu có những “diệu quyết” khẩu truyền kín đáo thì đấy chính
là tà ma ngoại đạo, chứ nào phải là Phật pháp!
* Hòa Thượng Pháp Tràng sẵn đủ linh căn từ trước, thoạt đầu là bậc
chân nho, sau thành bậc chân tăng; có thể nói là chẳng uổng công đọc sách
học đạo vậy! Đời có bậc chân nho thì mới có bậc chân tăng. Những hạng vô
lại xuất gia thảy đều là ma vương ngoại đạo phá hoại Phật pháp vậy! Ngữ
lục của Ngài (Pháp Tràng) thật là thống khoái, thẳng chóng, mở toang tự tâm
con người, rất nên khắc in lưu thông để làm pháp bảo nhà Thiền. Thế nhưng,
Ngài chỉ phát huy đạo lý “chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”; chúng
ta chuyên tu Tịnh nghiệp, đừng nên so đo, đoán mò lời Ngài đến nỗi đánh
mất lợi ích cả hai bên vậy. Chẳng thể chẳng biết điều này.
Tông gia (Thiền tông) chỉ đề xướng bổn phận, những thứ khác đều
chẳng thèm xiển dương. Việc tu nhân đạt quả, đoạn Hoặc chứng chân của
nhà Thiền đều là ngầm tự tu trì. Những kẻ đứng ngoài thấy nhà Thiền chẳng
đề xướng những đạo lý tu chứng ấy, bèn cho rằng Tông gia hoàn toàn chẳng
dùng đến những pháp đó. Đấy là báng Tông, lẫn báng Phật, báng Pháp vậy!
* Nên biết rằng: trong hết thảy pháp môn đức Phật đã nói, đều phải đoạn
Hoặc chứng Chân thì mới có thể liễu sanh thoát tử, tuyệt đối chẳng có
chuyện chưa đoạn sạch Hoặc mà liễu thoát được! Với pháp môn Niệm Phật,
nếu người vãng sanh đã đoạn Hoặc nghiệp thì sẽ mau chứng Pháp Thân,
người tuy còn đủ Hoặc nghiệp mà vãng sanh thì cũng đã vượt lên địa vị
thánh nhân. Một đằng hoàn toàn cậy vào tự lực, một đằng hoàn toàn nhờ vào
Phật lực kiêm thêm tự lực.
Điều thứ hai, [sự tu trì] khó dễ thật là một trời một vực. Thường có kẻ
thông minh, đọc sách Thiền qua quít, hiểu chút vị Thiền, bèn toan lấy Thiền
làm mạng, học đòi làm bậc cao nhân thông suốt, nhưng toàn là hạng chẳng
biết Thiền lẫn Tịnh đến nơi đến chốn, cứ lầm tưởng mình là hạng tôn quý,