và tâm con người đồng thời vận dụng cả hai, trọn chẳng hề có chuyện thân
và tâm tranh nhau hơn kém! Người thấu đạt dù có muốn chẳng dung hợp
cũng chẳng thể được. Tri kiến cuồng vọng, chấp Lý phế Sự thì chẳng thể
dung hợp.
* Tâm này trọn khắp, thường hằng như hư không. Chúng ta do mê
nhiễm nên khởi các chấp trước, ví như hư không do bị các vật ngăn chướng
nên chẳng thể trọn khắp, chẳng thường hằng. Nhưng chẳng trọn khắp, chẳng
thường hằng chỉ là vọng kiến chấp trước, chứ nào phải hư không thật sự bị
các vật ngăn chướng nên chẳng trọn khắp, chẳng thường hằng ư? Vì thế, cái
tâm phàm phu cùng với cái tâm bất sanh bất diệt mà đức Như Lai đã chứng
trọn chẳng khác gì.
Điều khác biệt là do phàm phu mê nhiễm nên mới đến nỗi như thế, chứ
chẳng phải là tâm thể vốn có cải biến! Di Đà Tịnh Độ hoàn toàn nằm trong
một niệm tâm tánh của chúng ta, tâm ta vốn sẵn có Phật A Di Đà. Tâm ta
sẵn có nên đương nhiên phải thường niệm. Đã thường niệm ắt sẽ cảm ứng
đạo giao, tu đức có công tánh đức mới hiển, Sự - Lý viên dung, chúng sanh
và Phật chẳng khác! Vì thế nói: “Dùng tâm sẵn có Phật của mình để niệm
đức Phật sẵn có trong tâm ta, lẽ nào đức Phật sẵn có trong tâm ta chẳng
ứng với cái tâm sẵn có Phật ư?”
* Những điều Tông môn dạy chuyên chỉ về lý tánh, chẳng luận về Sự
Tu. Vì sao vậy? Muốn cho con người trước hết biết đến cái lý “nhân quả, tu
chứng, phàm thánh, chúng sanh - Phật chẳng phân biệt”, để rồi y theo cái lý
ấy mà bắt đầu tu nhân chứng quả, siêu phàm nhập thánh, đấy chính là sự
“chúng sanh thành tựu Phật đạo” vậy!
* Luận rạch ròi thì Phật pháp chẳng ngoài Chân Đế và Tục Đế. Trong
Chân Đế, một pháp chẳng lập, như thường nói: “Thật Tế lý địa chẳng dính
mảy trần”. Trong Tục Đế, không pháp nào chẳng đủ, như thường
nói: “Trong cửa Phật sự, chẳng bỏ một pháp”. Trong Giáo, xiển dương cả
Tục lẫn Chân, nhưng đa phần nói về Tục Đế. Bên Tông thì chính ngay nơi
Tục nói về Chân, nhưng quét sạch tướng Tục.
Phải biết rằng: Chân và Tục đồng thể, hoàn toàn chẳng phải là hai vật.
Ví như tấm gương báu tròn lớn, rỗng sáng chiếu soi cùng tột, trọn chẳng có
một vật. Tuy trọn chẳng có một vật, nhưng nếu người Hồ đến, gương hiện
bóng người Hồ, người Hán đến, hiện bóng người Hán, sâm la vạn tượng
cùng đến đều cùng hiện. Dù bao tướng cùng hiện, vẫn trọn chẳng có một vật.
Tuy trọn chẳng có một vật, chẳng trở ngại các tướng cùng hiện. Nơi “các
tướng cùng hiện” đó, nhà Thiền chuyên nói “trọn chẳng có một vật”. Nơi