Chánh nhân Phật tánh chính là diệu tánh vốn sẵn có trong tâm ta, là Pháp
Thân chân thường chư Phật đã chứng. Diệu tánh này tại phàm chẳng giảm,
nơi thánh chẳng tăng, trong sanh tử chẳng nhiễm, ở Niết Bàn chẳng tịnh.
Chúng sanh triệt để mê trái tánh này, chư Phật viên chứng rốt ráo. Mê -
chứng dù khác, tánh thường bình đẳng.
Thứ hai là liễu nhân Phật tánh, tức là chánh trí để phát sanh chánh nhân
Phật tánh. Do tri thức hoặc là do kinh giáo, nghe biết diệu nghĩa chánh nhân
Phật tánh bèn liễu ngộ, biết do một niệm vô minh chướng lấp nguồn tâm,
chẳng biết bản thể của cảnh giới sáu trần vốn là không, nhận lầm thật có, đến
nỗi khởi tham - sân - si, tạo giết - trộm - dâm, do Hoặc tạo nghiệp, do nghiệp
chịu khổ, khiến cho Chánh Nhân Phật Tánh trở thành cái gốc để khởi Hoặc
tạo nghiệp chịu khổ. Từ đấy liễu ngộ, bèn muốn bỏ vọng về với chân, hòng
mong khôi phục bổn tánh.
Ba là duyên nhân Phật tánh, tức là trợ duyên. Đã liễu ngộ, phải tu tập các
thứ thiện pháp ngõ hầu tiêu trừ Hoặc nghiệp, tăng trưởng phước huệ, cốt sao
tự chứng được rốt ráo cái lý sẵn có mà ta đã ngộ đó mới thôi!
Xin dùng thí dụ để chỉ rõ: Chánh Nhân Phật Tánh như vàng trong quặng,
như lửa trong gỗ, như ánh sáng nơi gương, như mầm trong hạt, dù là sẵn có,
nhưng nếu chẳng biết đến, chẳng được các duyên: nung luyện, khoét, dùi,
mài giũa, gieo trồng, mưa đẫm... thì vàng, lửa, ánh sáng, mầm mộng vĩnh
viễn chẳng khi nào phát sanh được! Như vậy dù có chánh nhân nhưng nếu
không duyên, trọn chẳng thể thọ dụng được.
Bởi thế, Phật dạy hết thảy chúng sanh đều là Phật, muốn độ thoát họ;
nhưng chúng sanh trọn chẳng liễu ngộ, chẳng chịu tu tập thiện pháp, đến nỗi
bao kiếp dài lâu luân hồi sanh tử, không thể thoát được. Do đó, Như Lai
rộng bày các phương tiện, tùy cơ chỉ bày, dẫn dắt, mong chúng sanh bỏ vọng
theo chân, bỏ trần theo giác.
* Cổ nhân nói: “Sanh tử cũng lớn, há chẳng đau đớn ư?” Trộm bàn: Đã
chẳng biết nguyên do, dù có đau lòng cũng chẳng ích gì! Nên biết rằng: Hết
thảy chúng sanh theo nghiệp lưu chuyển, thọ sanh trong sáu đường, sanh
chẳng biết từ đâu đến, chết chẳng biết đi về đâu! Do nhân duyên tội hay
phước sẽ thăng hay giáng, xoay vần luân hồi, chẳng lúc nào xong. Như Lai
thương xót, dạy nhân duyên “do Hoặc khởi nghiệp, do nghiệp cảm khổ” và
bản thể “thường, lạc, ngã, tịnh, tịch chiếu viên dung” khiến chúng sanh hiểu
rõ: Do vô minh nên mới có thân này. Vì thế, thân này hoàn toàn thuộc về
huyễn vọng, chẳng những không có tứ đại, ngay cả ngũ uẩn cũng đều không.
Đã biết ngũ uẩn là không thì Chân Như pháp tánh, Thật Tướng diệu lý sẽ
triệt để phô bày trọn vẹn.