* Phật ân thật là rộng lớn, trọn khắp, chẳng có cùng tận. Vì sao nói thế?
Do hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật, nhưng vì
mê chẳng ngộ, đến nỗi lại đem sức công đức Phật tánh ấy dùng lầm vào sáu
trần cảnh, khởi tham - sân - si, tạo giết - trộm - dâm, do Hoặc tạo nghiệp, do
nghiệp thọ báo, trải kiếp dài lâu luân hồi lục đạo, trọn chẳng có ngày ra.
Trong những kiếp xưa, Phật đã biết rõ điều này, bèn phát đại nguyện muốn
cho hết thảy chúng sanh trong khắp các pháp giới tận cõi hư không cùng ngộ
được Phật tánh sẵn có, cùng thoát luân hồi sanh tử, cùng thành đạo Vô
Thượng Chánh Giác, cùng nhập Vô Dư Niết Bàn.
Từ đấy, vì chúng sanh trong khắp pháp giới Ngài trải kiếp dài lâu hành
đạo Bồ Tát, không việc gì có lợi ích mà Phật chẳng đề cao, tu trọn lục độ,
chẳng chấp trước một pháp nào, hành hạnh khó làm, nhẫn được chuyện khó
nhẫn. Phật bố thí quốc thành, vợ, con, đầu, mắt, tủy, não... không tiếc nuối
gì. Vì thế, kinh Pháp Hoa nói: “Ta thấy đức Thích Ca Như Lai trong vô
lượng kiếp, hành hạnh khó, hạnh khổ, tích công chứa đức cầu Bồ Tát đạo
chưa từng dừng nghỉ. Xem khắp tam thiên đại thiên thế giới, thậm chí chẳng
có chỗ nào nhỏ bằng hạt cải mà chẳng phải là chỗ Bồ Tát xả thân mạng vì
chúng sanh cả! Sau đấy mới được thành Bồ Đề đạo”.
Chỉ một hạnh bố thí dù thọ cả kiếp còn chẳng thể nói hết, huống hồ là
các hạnh khác như Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Huệ và
Tứ Nhiếp, vạn hạnh ư? Mãi cho đến khi Hoặc nghiệp hết sạch, phước huệ
viên mãn, triệt chứng tự tâm, thành đạo Vô Thượng, Phật bèn vì khắp các
chúng sanh giảng pháp mình đã chứng, chỉ vì để ai nấy đều chứng được
pháp Ngài đã chứng. Thế nhưng thượng căn ít ỏi, trung căn, hạ căn lại nhiều;
cho nên Phật lại tùy cơ lập giáo, khiến ai nấy tùy phận được lợi.
Đến khi việc một đời đã xong, Phật bèn nhập Niết Bàn, nhưng vẫn
chẳng bỏ tấm lòng đại bi, lại thị hiện thành Chánh Giác trong thế giới
khác để tiếp tục tế độ. Phật thị hiện sanh trong cõi này hay cõi khác như
thế, chẳng thể dùng toán số, thí dụ để tính được nổi. Ví như vầng mặt trời
chói lọi vì chiếu thế gian nên mọc lặn chẳng ngừng, cũng như người đưa
thuyền vì đưa người qua sông nên qua lại chẳng ngừng!