Nếu có mở rộng được tầm mắt thì mới biết Phật pháp lưu truyền rộng rãi
khắp trong ngoài Trung Hoa, đạo pháp thạnh hành cả hai ngàn năm qua,
được rất nhiều vua thánh, tôi hiền, hào kiệt, vĩ nhân hộ trì, truyền bá. Lẽ
đương nhiên đạo ấy phải là chân đạo mà phàm tình chẳng thể suy lường
được nổi! Dù có bị một hai gã nho sĩ câu nệ, hủ bại bài xích, hay những tên
vua bạo ác hủy phá, rốt cuộc hai tay vẫn không che nổi mặt trời, ngửa mặt
nhổ lên trời, chỉ càng tự phô bày cái thấy biết kém cỏi, ít ỏi của mình mà
thôi, tự lầm lạc gây tạo tội lỗi, chứ rốt cuộc Phật pháp có bị tổn hại gì đâu?
Lại có kẻ bề ngoài làm ra vẻ chê bai Phật pháp, chứ bề trong lại thực sự
tu chứng. Từ đời Tống đến nay, những bậc danh nho không có ai là chẳng
như vậy cả! Cho nên Quang tôi nói “thành ý chánh tâm do vậy hãy còn
khiếm khuyết” thật đúng là lời bàn quyết định vậy!
* Đối với việc học Phật, vốn phải trọn vẹn nhân đạo mới hòng hướng
đến được. Nếu chẳng thật sự thực hành hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm,
sỉ, dù có suốt ngày thờ Phật, Phật cũng chẳng gia hộ! Ấy là vì Phật giáo bao
gồm hết thảy các pháp thế gian, xuất thế gian. Vì thế với cha nói Từ, với con
nói Hiếu, khiến ai nấy đều tận hết bổn phận làm người, sau đấy mới tu pháp
xuất thế. Ví như muốn dựng lầu cao vạn trượng, ắt trước hết phải đắp nền
móng kiên cố, khai thông đường nước thì lầu cao vạn trượng mới có thể xây
lên được, mới vĩnh cửu chẳng hư hoại. Nếu như nền móng chẳng vững, ắt
chưa xây xong đã sụp.
Sách Luận Ngữ nói: “Tuyển trung thần ư hiếu tử chi môn” (chọn tôi
trung từ nơi con hiếu); học Phật cũng giống như vậy. Xưa kia, ông Bạch Cư
Dị hỏi Ô Sào Thiền Sư: “Thế nào là đại ý Phật pháp?” Sư dạy: “Đừng làm
các điều ác, vâng làm các điều lành”. Muốn học Phật pháp, phải khắc kỷ, dè
dặt, việc gì cũng đều phải phát xuất từ cái tâm chân thật mà làm. Người như
vậy mới đáng gọi là chân Phật tử. Nếu tấm lòng gian ác, lại toan mượn Phật
pháp để tránh tội nghiệp, có khác gì trước đã uống thuốc độc, sau lại uống
thuốc bổ, muốn cho thân thể khỏe mạnh, nhẹ nhàng, kéo dài tuổi thọ, phỏng
có được chăng?