nung chảy, nghiêng rót vào khuôn, khuôn ngay sẽ ra hình ngay, khuôn méo
thành hình méo. Chưa đổ vào khuôn đã biết trước là sẽ lớn, nhỏ, dày, mỏng,
huống hồ là khi đúc xong.
Gần đây, nhân tình phần nhiều chẳng biết đến điều ấy, thế nên những
con em có thiên tư đa phần ngông cuồng, bồng bột, kẻ không thiên tư lại
ương bướng, hèn kém. Đó là vì lúc nhỏ chẳng uốn vào khuôn phép, như
nước đồng sôi đổ vào khuôn hỏng ắt phải thành đồ hư. Kim loại vốn chỉ
một, nhưng đồ đúc ra sai khác nhau một trời một vực, tiếc thay!
Phật lấy Vô Ngã làm giáo. Hiện tại, những kẻ có chút tri kiến thường
nhìn lên tận trời, cứ tưởng chỉ có nghĩa lý văn tự mới là Phật pháp, chẳng
biết tu thân, tịnh tâm, diệt trừ ngã tướng, tận lực tu Định - Huệ ngõ hầu đoạn
Hoặc chứng Chân là Phật pháp!
* Trộm nghĩ: cha mẹ yêu con không gì chẳng quan tâm đến, chỉ trừ khi
bị bệnh tật, hoạn nạn mới bớt quan tâm. Con trẻ vừa biết nói liền dạy nó
niệm danh hiệu nam mô A Di Đà Phật và nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát,
khiến cho những điều kém xấu đã vun bồi trong đời trước của nó nay nhờ
thiện lực này ắt tai họa sẽ tiêu ngay khi chưa nảy mầm, được phước nhưng
chẳng biết, không còn phải lo gì đến các hiểm nạn tai ương, bệnh tật, khổ sở
v.v...
Khi con vừa hiểu biết đôi chút, liền dạy con trung thứ, nhân từ, kiêng
giết, phóng sanh và những sự tích nhân quả ba đời rành rành ngõ hầu tập
thành tánh, ngay từ lúc còn thơ đã chẳng dám giết hại tàn nhẫn các loài trùng
kiến nhỏ nhoi, lớn lên quyết chẳng đến nỗi làm điều gian ác, khiến cha mẹ,
tổ tiên mang nhục lây!
* Con em có tài năng, nếu được khéo giáo hóa sẽ dễ trở thành người
chánh trực; không khéo giáo hóa đa phần sẽ thành hạng bại hoại. Ngày nay
dân không lẽ sống, nước nhà lắm nỗi gian nan, mấy phen chao đảo đều là do
những kẻ có tài năng nhưng không được khéo dạy khiến mầm họa được ươm
từ từ. Người không có tài, đương nhiên phải dạy họ thành thực; với người có
tài càng phải nên dạy họ thành thực.
Thế nhưng thành thực vẫn có thể là giả vờ. Thoạt đầu, hãy thường nên
dạy dỗ về nhân quả báo ứng và lẽ “con người khởi tâm động niệm gì, mỗi
mỗi điều thiên địa quỷ thần đều biết đều hay cả”, khuyên con phải đọc kỹ
các sách Âm Chất Văn, Thái Thượng Cảm Ứng, đừng cho rằng chúng không
phải là sách Phật rồi xem thường. Ấy là vì phàm phu tâm lượng thiển cận,
nếu dùng những lý xa xôi lớn lao để giảng nói sẽ khó thể lãnh hội được.
Những sách ấy dù già hay trẻ nghe đến đều được lợi ích cả, huống hồ là
những người lấy việc chú trọng điều thiện làm thầy ư?