Nếu cho đứa này giữ tiền để sanh lợi thì những đứa kia chẳng được giữ sẽ
oán hờn cha mẹ, sanh lòng đố kỵ với anh, em, chị em nào được giữ tiền. Đấy
đều chẳng phải là cách để dạy con hiếu đễ. Nếu con gái có tiền, khi xuất giá
ắt sẽ cậy tiền tự kiêu, hoặc khinh thường chồng, hoặc chẳng hiểu rõ sự việc,
đem tiền giúp chồng làm việc quấy.
Muốn cho con cái thành hiền nhân thì hãy nên bồi phước, chớ nên tích
cóp tiền tài. Của cải là gốc họa. Các vị từng thấy không ít người tay trắng
làm nên đều là do không tiền tự mình siêng gắng mà được, nhưng nhà đại
phú gia chẳng mấy chốc gia sản trống rỗng. Vì thế cổ nhân nói: “Để cho con
một rương đầy vàng, chẳng bằng để cho con một quyển sách”. Đọc sách
được thì đọc, không đọc được thì làm nghề nông, hoặc buôn bán, ai có nghề
nấy để làm cái vốn lập thân nuôi gia đình. Con gái nếu có tiền lại hiểu đạo
lý, lẽ cố nhiên tiền sẽ thành cái vốn để trợ đạo. Nếu chẳng hiểu đạo lý, tiền
sẽ hại cô đó, hại luôn chàng rể, hại lây cả đến cháu trai, cháu gái!
* Con người một đời thành bại đều là do sự tài bồi, tập tành dần dần lúc
nhỏ mà ra. Ngươi đã thành thiếu niên phải biết tốt xấu, vạn phần chẳng được
học theo thói đời, hãy nên học hiếu, học đễ, học trung hậu, thành thực. Đang
lúc tuổi trẻ mạnh mẽ, cường tráng, hãy nỗ lực đọc sách. Phàm đọc qua sách
nào, phải nghĩ xem những điều nào sách dạy là trọng yếu đối với con người
thì thực hành theo đó; chứ nếu không chỉ là cố ngốn sách cho nhiều.
Nếu những điều dạy trong các sách nói trên chẳng dễ lãnh hội thì những
điều nói trong các sách như Âm Chất Văn, Cảm Ứng Thiên v.v... đều là nói
trực tiếp, dễ lãnh hội; hãy nên thường đọc, thường nghiền ngẫm, sửa lỗi
hướng thiện. Lúc nhàn hạ, rất nên niệm A Di Đà Phật và Quán Thế Âm Bồ
Tát để mong tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ, đừng nghĩ là
khổ sở. Cổ nhân nói: “Thiếu tráng bất nỗ lực, lão nhân đồ thương bi” (Trẻ
mạnh chẳng nỗ lực, già cả luống sầu thương!) Lúc này bỏ phí quang âm, về
sau dù có nỗ lực cũng khó thành tựu! Bởi lẽ, tuổi trẻ đã qua, trí nhớ cùn quá
nửa, học cái gì cũng phải dùng sức nhiều nhưng hiệu quả lại ít.
Thứ nhất là phải làm người tốt, thấy người hiền mong được bằng, thấy
kẻ chẳng hiền trong lòng tự cảnh tỉnh,
Thứ hai là phải biết nhân quả báo ứng, nhất cử nhất động đừng mặc tình
khoái ý, mà phải nghĩ việc này có lợi ích đối với ta, với người thân, người
ngoài hay chăng. Chẳng những làm việc gì cũng như thế mà khi khởi tâm
động niệm cũng phải thường như thế. Khởi tâm lành ắt có công đức, khởi
tâm xấu ắt mắc tội lỗi. Muốn được báo tốt thì phải giữ tâm tốt. Nói lời lành,
làm việc lành, lợi người lẫn vật, chẳng làm hại mình lẫn người thì mới nên.
Nếu chẳng vậy, sao hưởng được báo tốt?