Bố anh nói rất có lý, nhưng Liêu Duy Tín đều không để vào tai. Anh
nói: “Vậy con biết làm gì? Không thể cứ ngồi đây chờ đợi, chẳng làm gì
được! Bố không biết đâu, với tính cách của Ký Minh, đã làm gì là làm đến
cùng, không chịu vòng vo. Nếu xảy ra xung đột với bố mẹ, người cuối cùng
chịu tổn thương chính là Ký Minh. Ký Minh sẽ không chịu nổi…”.
Mắt anh đỏ ngầu, giọng nói nghẹn ngào. Anh quay đầu đi, không
muốn mất kiểm soát trước mặt bố mẹ. Mẹ anh không nói gì, chỉ vỗ nhẹ lên
bờ vai rộng lớn của của con trai mình, kéo anh ngồi xuống sô pha.
Bố anh thở dài, từ tốn nói: “Nói trắng ra thì con không chịu nổi cảm
giác bất lực mà thôi. Cảm thấy chỉ muốn ở bên cậu ta, cho dù không thay
đổi được gì, chỉ nhìn cậu ta thôi cũng tốt rồi, phải không?”.
Liêu Duy Tín gật đầu.
“Nghe bố nói, con trai. Con không hiểu tâm trạng của những bậc làm
cha làm mẹ. Trên đời này chẳng có cha mẹ nào nhẫn tâm ngồi nhìn con
mình đau đớn khổ sở mà làm thinh cả. Đối xử tốt với Ký Minh không chỉ
có một mình con, muốn cậu ta vui vẻ hạnh phúc cũng không chỉ có một
mình con. Nhìn con mình lấy rượu giải sầu, thậm chí nôn ra máu, nỗi đau
của người làm cha làm mẹ không thua con chút nào đâu. Con không đến
đó, họ cũng sẽ chăm sóc thật tốt cho Ký Minh. Bố
mẹ có cách làm của bố mẹ, họ hy vọng được nhìn thấy con mình mạnh
khỏe bình an, hạnh phúc sung túc. Họ dùng quan niệm nhân sinh của mình
yêu cầu con cái, điều này chẳng có gì sai. Chỉ là, một khi nhận ra nguyện
vọng của mình chỉ đem lại đau khổ cho con mình, thì bất cứ người bố
người mẹ nào cũng sẽ thỏa hiệp. Duy Tín, con từng nói, có những thứ phải
chờ thời gian minh chứng. Hạnh phúc chính là như vậy. Điều con cần làm,
là dùng cả đời này để chứng tỏ được con sẽ mang lại hạnh phúc cho Ký
Minh, chứ không phải bây giờ hấp tấp đến đó gây thêm rắc rối.”