Và đúng là như thế, dù vẫn có số ít những nghệ nhân liều lĩnh
trốn đi, thành lập các xưởng thủy tinh ở các thành phố lân cận, hay
xa hơn là Anh và Hà Lan, thế nhưng, nghề thủy tinh Murano vẫn
được coi là độc quyền về chất lượng trong nhiều thế kỷ. Chính từ
nơi đây, những kỷ xảo làm thủy tinh cao cấp được sáng chế và phát
triển như kỹ thuật làm pha lê, thủy tinh đục (lattimo - milk glass),
vàng chảy trong thủy tinh, thủy tinh đa sắc, thủy tinh tráng men, hay
kỹ thuật ép đá quý trong thủy tinh. Ngày nay trên đảo, những nghệ
nhân Murano vẫn dùng kỹ thuật của nhiều thế kỷ trước để tạo nên
những tác phẩm nghệ thuật đương đại hay những món đồ trang sức
hợp thời trang. Chính vì thế, những món đồ thủy tinh Murano thật
có giá đắt hơn cả trang sức vàng và với đôi bàn tay của những nghệ
nhân nơi đây đã trở thành Di sản Thế giới. Trên đảo, bạn còn tìm
thấy viện bảo tàng thủy tinh ở Palazzo Giustinian với những món đồ
thủy tinh có từ thời Ai Cập cổ đại cho tới ngày nay.
Nếu như Murano tặng bạn những phút lạc lối trong một thế giới
tinh xảo nhưng mỏng manh của những món đồ thủy tinh hay của cả
những điều diệu kỳ đến không tưởng thì Burano lại đưa bạn vào một
xứ sở thần tiên được tạo nên từ một ý tưởng vô cùng giản dị.
Với giọng điệu chua ngoa, nhà văn Hemingway miêu tả Burano là
"nơi đàn ông thì đóng tàu còn đàn bà thì 'sản xuất' ra trẻ con". Câu
nói đó của ông đủ làm tôi bật cười và tìm đến Burano cho bằng
được. Hóa ra, phụ nữ ở Burano không nhàm chán đến vậy. Mà ngược
lại, chính họ mới là người tạo nên điều đặc biệt của hòn đảo này.
Burano nổi tiếng với nghề làm ren. Những người phụ nữ ở đây dùng
những sợi chỉ trắng để tạo nên những bức tranh tuyệt đẹp chính là
những sản phẩm đan ren làm bằng tay chi tiết đến từng milimet.
Chỉ một tấm khăn trải bàn ren chuẩn của Burano có thể lấy đi của
mười người thợ nhiều tuần làm việc không ngừng nghỉ. Thậm chí,
có những sản phẩm như chiếc áo của nhà vua nước Pháp, các nghệ
nhân Burano phải làm miệt mài trong hai năm.