Cô mở album ảnh mà mẹ cô đã gói ghém làm món quà chia tay, trong đó
có hình cô hồi còn nhỏ, tên hiệu chụp hình Gutcher’s được đóng dấu đằng
sau mỗi tấm ảnh. Một tấm hình ba má trong ngày cưới, một tấm hình cả gia
đình. Isabel miết tay lên mặt bàn, thẫn thờ chạm vào tấm lót bình hoa bằng
ren mà bà cô đã tự tay làm để chuẩn bị hành trang về nhà chồng. Cô đến
ngồi bên chiếc dương cầm, mở nắp đàn.
Thân đàn bằng gỗ cây óc chó đã bị nứt nhiều chỗ. Bên trên phím có dòng
chữ mạ vàng Eavestaff, London. Cô hay mường tượng ra hành trình của
cây đàn đến Australia, rồi những cuộc đời khả dĩ khác của nó – có lẽ ở
trong một gia đình Anh quốc, hay ở một trường học nào đó, phải chịu trận
những bài tập luyện ngón nhọc nhằn của những ngón tay bé xíu, còn vụng
về lóng ngóng, hay biết đâu đáng ra cây đàn đã được lên sân khấu. Vậy mà
run rủi thế nào nó lại ra đến đảo, rồi bị sự cô đơn và thời tiết khắc nghiệt
cướp đi cả tiếng nói.
Cô nhấn phím Đô giữa, chậm rãi đến nỗi không có âm thanh nào. Phím
đàn màu ngà ấm áp, mịn màng như đầu ngón tay của bà cô. Cảm giác đó
khiến cô nhớ lại những buổi chiều tập đàn, vật vã luyện hợp âm La giáng
trưởng hai tay ngược chiều, một quãng tám, rồi hai, rồi ba. Tiếng bóng
cricket đập vào gậy gỗ, Hugh và Alfie chơi đùa ngoài sân trong khi cô,
“tiểu thư” phải ngồi đây mà tập tành rèn giũa, và nghe bà nội nhắc lại phải
giữ cổ tay cao.
“Nhưng mà đánh hai tay ngược chiều rất là vớ vẩn!” Isabel rên rỉ.
“Vậy đó, cái gì cưng cũng biết hết,” bà nhận xét.
“Cho cháu chơi bóng cricket không được sao, bà ơi? Chơi một chút thôi
rồi cháu sẽ tập tiếp.”